Bài 6: Những chiến công không hề thầm lặng
Chính trị - Ngày đăng : 06:15, 22/04/2010
CCB Lữ đoàn Đặc công - Biệt động 316 bên chiến trường xưa. |
Trận quyết chiến trên cầu Rạch Chiếc
Bia tưởng niệm các chiến sỹ hy sinh trong trận đánh cầu Rạch Chiếc nằm khiêm tốn bên bờ sông Sài Gòn. Rặng dừa nước lúp xúp không ngăn nổi tiếng xe, máy đang hối hả thi công ngoài công trường. Chiếc cầu cũ xây dựng từ những năm 60 thế kỷ trước sắp được thay thế bằng cây cầu hiện đại dài hơn 700m, rộng 48m gồm 3 nhánh sát nhau với tổng cộng 10 làn xe.
Giữa tháng Tư, Sài Gòn nắng nóng và trời thì trong xanh lạ. Những đám lục bình trôi xuôi ra cửa Soài Rạp, song ký ức của những người cựu chiến binh lại ngược dòng quá khứ, nhớ về một ngày cách đây 35 năm, bên chính cây cầu này… Ông Trần Xuân Kiện, nguyên Tiểu đoàn trưởng d81 (Lữ đoàn 316) bồi hồi kể: "Đơn vị tôi được giao đánh phía nam cầu, hướng Sài Gòn ra, còn Z22 và Z23 đánh phía bắc cầu. Đúng 3h15 sáng 28-4, d81 được lệnh nổ súng, mở màn trận đánh cầu Rạch Chiếc"...
Bữa trước, Đại tá, Anh hùng LLVT Nguyễn Văn Tàu, bí danh Tư Cang, nguyên Chính ủy Lữ đoàn Đặc công - Biệt động 316, từng là Cụm trưởng Cụm Tình báo H63 có "điệp viên hoàn hảo" Phạm Xuân Ẩn, đã giải thích: "Lữ đoàn được Bộ Tư lệnh Miền (B2) thành lập tháng 10-1974, gồm 12 Z biệt động (Z: tương đương tiểu đoàn) và 4 D đặc công. Trước chiến dịch, Lữ đoàn 316 được giao 3 nhiệm vụ: dẫn đường cho đại quân vào thành phố; đánh chiếm và chốt giữ một số cầu xung quanh Sài Gòn như cầu Bông, cầu Rạch Chiếc…; đánh phá các mục tiêu quan trọng, trong đó có Bộ tổng Tham mưu ngụy, Tổng nha Cảnh sát, Biệt khu Thủ đô…".
Giao lưu nhân chứng lịch sử với thế hệ trẻ (HNM) - "30-4 và mùa Xuân đại thắng" là chủ đề buổi tọa đàm, giao lưu do Bảo tàng TP Hồ Chí Minh phối hợp với Viện Lịch sử quân sự Việt Nam tổ chức vào chiều 21-4. Hơn 100 sinh viên, cán bộ lão thành cùng 10 nhân chứng lịch sử (trong Chiến dịch Hồ Chí Minh và ngày 30-4) đã ôn lại những sự kiện với quan điểm nghiên cứu, đánh giá sử học, giải tỏa một số vấn đề còn băn khoăn, chưa nhất quán. Bình Minh |
Nhờ gặp ông Tư Cang, tôi liên hệ được với cựu chiến binh Nguyễn Đức Thọ, một nhân chứng lịch sử của trận quyết chiến cầu Rạch Chiếc, ông Thọ kể: "Năm đó tôi mới 20 tuổi, là trinh sát kiêm liên lạc của Z23. Ngày 25-4, đơn vị được lệnh chuẩn bị lực lượng, cùng Z22 và d81 đánh chiếm, chốt giữ cầu Rạch Chiếc để đón đại quân vào giải phóng Sài Gòn. Các đơn vị áp sát mục tiêu từ ngày 27. Đúng 3h15 ngày 28, nghe súng d81 nổ ran, tôi bắn liền 2 phát B40 diệt tháp canh, trên có khẩu đại liên. Các mũi đồng loạt nổ súng, ném thủ pháo, lựu đạn vào công sự địch. Bị tấn công bất ngờ, địch nháo nhào bỏ chạy. Chỉ sau vài chục phút, quân ta đã làm chủ trận địa. Tuy nhiên, địch không chịu từ bỏ cây cầu án ngữ cửa ngõ phía đông thành phố. Chúng liên tục bắn pháo từ Thủ Đức, Cát Lái và từ tàu chiến vào, đến 8h sáng bắt đầu dùng trực thăng đổ quân, kết hợp bộ binh, xe tăng từ Sài Gòn nống ra, Thủ Đức tiến vào, dưới sông giang thuyền đánh lên, trên trời trực thăng quần đảo, dội hỏa lực xuống. Sau mỗi đợt phản kích bị bật ra, chúng lại dùng trực thăng, pháo binh bắn phá dữ dội. Dù chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, gây cho địch nhiều tổn thất, nhưng do chênh lệch lực lượng, đạn dược hết, thương vong nhiều nên 3h chiều hôm đó chúng tôi được lệnh rút ra".
Trong trận đánh bảo vệ cầu Rạch Chiếc, 51 người lính đặc công biệt động đã ngã xuống. Nhiều chiến sỹ anh dũng chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, bị địch bắt, sát hại dã man. Giọng ông Thọ nghẹn ngào: "Đồng chí Thất người Thanh Hóa đã bám trụ đầu cầu cho anh em rút, bị địch bắt, chặt làm hai khúc bỏ cách nhau gần 10m. Đồng chí Minh cùng quê Quảng Xương với tôi, bị chúng dùng báng súng quật nát mặt rồi mổ bụng moi gan…". Sáng 29-4, Lữ đoàn 316 được lệnh bằng mọi giá phải tái chiếm, chốt giữ cầu này. Sau khi tổ chức lại lực lượng và vũ khí, đến 3h sáng 30-4, d81 và Z22, Z23 tiếp tục nổ súng tiến công, bất chấp địch lúc này đông gấp bội (do tàn quân từ Xuân Lộc, Long Thành… dồn về rất đông, trong khi Z22 và Z23 chỉ còn 29 tay súng). Trước khí thế quyết chiến, quyết thắng của quân ta, địch chống trả yếu ớt rồi tháo chạy, vứt bỏ tất cả trang bị, vũ khí. Đến 5h sáng, đặc công biệt động đã làm chủ cầu, chốt giữ đến hơn 9h thì những chiếc xe tăng đầu tiên của Quân đoàn 2 xuất hiện, từ đây thần tốc tiến vào trung tâm Sài Gòn…
CCB Lữ đoàn Đặc công - Biệt động 316 thăm Bia tưởng niệm các chiến sỹ hy sinh tại cầu Rạch Chiếc. |
Thọc vào đầu não địch
Thật may là trong số những cựu chiến binh tôi gặp ở ấp Suối Sâu (thuộc xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh), có ông Tô Văn Nhân, nguyên Đại đội trưởng Đại đội Trinh sát thuộc Z32, người đã trực tiếp chỉ huy bộ phận đánh chiếm Bộ tổng Tham mưu ngụy sáng 30-4-1975. Ông Nhân cho biết: "4h30 sáng 30-4, Z32 được lệnh nổ súng tấn công tiểu đoàn bảo an ở xã An Phú Đông thuộc quận 12 bây giờ, chiếm giữ 3 cây cầu An Lộc, An Phú Đông và Cả Bốn nằm trên xa lộ Đại Hàn…".
Quãng 7h sáng, Z32 đã làm chủ 3 cây cầu quan trọng ở cánh bắc Sài Gòn. Ông Nhân được lệnh dẫn một nhóm lên 2 chiếc xe Jeep thu được của địch chạy thẳng vào Bộ tổng Tham mưu ngụy, bắt liên lạc với người của ta ở đó để phối hợp hành động. "Tụi quân cảnh đứng ở cổng số 4 đường Nguyễn Kiệm thấy 2 xe chở đầy lính dù bèn hỏi: "Sao mấy ông vô đây?". Tôi nói: "Tụi tôi là Quân giải phóng chứ không phải lính dù. Tụi bảo an đầu hàng hết rồi, vậy chứ quân cảnh tính sao đây?". Đám quân cảnh nói: "Bọn tui chỉ có nhiệm vụ kiểm tra chứ không chiến đấu…". "Không chiến đấu thì mấy ông lui đi!". Thế là họ dạt ra rồi lủi dần. Chúng tôi tiến vào sân trong thì thấy một chiếc Jeep đỗ quay đầu ra hướng cổng, lại gần té ra là đồng chí Bảy Vĩnh và nhóm biệt động của Z28 đã ém sẵn trong này từ mấy ngày trước. Anh Bảy Vĩnh nói: "Triển khai nhanh đi, chần chờ gì nữa". Thế là mấy chiếc xe chạy thẳng đến khu vực Ban II. Viên sỹ quan mặc đồ quân phục xanh đen ở đây thấy Quân giải phóng tiến vào bèn rút khẩu súng Colt tự sát. Tôi nói với anh Bảy Vĩnh: "Hạ cờ nó xuống, treo cờ mình lên". Chúng tôi chốt giữ khu vực điện toán và bộ phận hồ sơ, đến khoảng 13h thì Sư đoàn 10 tiến vào chiếm Bộ tổng Tham mưu ngụy…".
Tôi đứng bên sông Sài Gòn, lặng nhìn tấm bia tưởng niệm đơn sơ do các cựu binh tự góp tiền xây dựng mà thầm nghĩ: Trong văn chương và cả ngôn ngữ điện ảnh, mỗi khi nhắc đến những chiến sỹ biệt động, người ta thường dùng hình ảnh "những chiến sỹ thầm lặng". Song trận quyết chiến trên cầu Rạch Chiếc - khúc bi tráng cuối cùng trong bản thiên anh hùng ca của dân tộc Việt Nam thế kỷ XX, cũng như nhiều chiến công khác của những chiến sỹ đặc công biệt động trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, không hề thầm lặng chút nào. Đó là những chiến công oanh liệt, mãi mãi được lịch sử và nhân dân ghi nhận. Bằng sự dũng cảm, hy sinh quên mình, với lối đánh mưu trí, táo bạo, lực lượng đặc công biệt động đã góp phần đáng kể vào chiến thắng cuối cùng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.
Cũng vì lẽ đó mà khi cầu cũ - một chứng tích quan trọng của chiến tranh - sắp được thay thế bằng cây cầu mới, thì tâm nguyện của những người cựu chiến binh đặc công biệt động về chuyện cầu Rạch Chiếc phải xứng là di tích lịch sử cấp quốc gia, càng trở nên thôi thúc hơn bao giờ hết.