“Đất chết” chiến khu xưa hồi sinh
Chính trị - Ngày đăng : 08:20, 21/04/2010
Đội Thanh niên tình nguyện về giúp Trại Trẻ tật nguyền An Phú Đông. |
Vùng đất chìm
Nhà thơ Xuân Miễn đã viết: "Bạn đã từng nghe An Phú Đông/Một làng nho nhỏ ở ven sông/Một năm chinh chiến - ôi, chinh chiến/Sông nước Sài Côn nhuộm máu hồng…". Thật vậy, chiến khu An Phú Đông không chỉ là nơi hoạt động cách mạng của nhiều nhà lãnh đạo tỉnh Gia Định, TP Sài Gòn, hay nơi trú đóng của các cơ quan đầu não cách mạng mà còn là nơi diễn ra nhiều trận đánh lớn, ác liệt mà phần lớn chiến thắng đều thuộc về ta. Ngày ấy An Phú Đông như "cái gai" trong mắt mà địch muốn nhổ. Theo ông Trần Văn Tấn, Chủ tịch UBND phường An Phú Đông, sở dĩ ngày trước An Phú Đông được chọn làm chiến khu, bởi nơi đây có địa hình thấp, kênh rạch chằng chịt, được bao bọc bởi 3 con sông: Vàm Thuật, Sài Gòn và Láng Le cùng với hơn 40 kênh rạch lớn nhỏ nên thuận lợi cho việc trú quân và quân địch rất khó phát hiện.
Thế nhưng vùng đất này trước kia thuận lợi cho kháng chiến bao nhiêu, thì nay lại gây khó khăn trong phát triển kinh tế bấy nhiêu. Cũng chính vùng đất trũng thấp hơn mực nước biển từ 0,8 đến 1m, cộng với hệ thống kênh rạch bị xuống cấp nên tình trạng ngập úng xảy ra triền miên. Trong suốt 10 năm đầu sau ngày giải phóng, hoa nhài là cây chủ lực ở An Phú Đông. Lúc đầu diện tích ngập úng còn ít, thời gian ngập ngắn nên cây nhài vẫn có điều kiện phát triển cho thu nhập ổn định. Nhưng rồi dần dần mực nước biển lên, triều cường tăng, cộng với những lúc mưa bão các hồ Dầu Tiếng, Trị An xả tràn tạo áp lực nước lớn, các đê bao không đủ sức ngăn, khiến diện tích ngập úng ngày càng lớn, thường xuyên, kéo dài buộc nông dân phải bỏ cây nhài chuyển sang trồng một số loại hoa màu, rồi đến mai ghép, cây cảnh… nhưng cuối cùng chẳng loại nào đủ sức chống chọi với triều cường.
Trồng trọt thì gặp ngập úng; nuôi cá, nuôi lợn thì không hiệu quả do nguồn nước bị ô nhiễm, người dân phải liên tục thay đổi cây trồng, vật nuôi nên đời sống bấp bênh luôn gặp bất ổn. Vào thời điểm những năm đầu 1990 cả An Phú Đông chỉ có khoảng 600 hộ, thì có trên 300 hộ thuộc diện đói nghèo.
…kiên cường đi lên
Dù đến nay vẫn còn là một trong 3 phường nghèo của quận 12, nhưng sự bứt phá đi lên của vùng đất "chết" này để trở thành một đô thị cũng là điều đáng khâm phục. Không giấu nỗi niềm vui mừng, ông Tấn cho biết: Hiện có 40/40 tuyến đường giao thông nông thôn của phường đã được hoàn thành, trong đó có 7 tuyến đã nhựa hóa, trong năm nay sẽ tiếp tục nhựa hóa thêm 13 tuyến nữa và hơn 10 tuyến đê bao kênh rạch đã được gia cố, xây dựng nên diện tích bị ngập úng giảm đến 95%. Đến cuối năm 2010 này sẽ hoàn thành các đê bao định hình ở các sông rạch và công trình bờ Hủ, sông Sài Gòn, sông Vàm Thuật thì 100% diện tích của phường sẽ không còn bị ngập úng nữa. Thật sự khi nghe đến diện tích ngập úng giảm 95% chúng tôi cũng khá ngỡ ngàng, bởi mới đây thôi, vào những năm 2005-2006, cả phường này gần như một ốc đảo mỗi khi có triều cường lên.
Không vui sao được, bởi nỗi lo canh cánh bấy lâu nay của phường là làm sao hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nhất là xây dựng đường giao thông nông thôn đã được giải quyết, tình trạng ngập nước giảm đáng kể, giúp địa phương vững tin vào việc hướng dẫn người dân nuôi trồng những loại cây, con có giá trị kinh tế cao, chứ không như trước đây ai có khả năng nuôi trồng cây, con gì thì cứ làm.
Giờ đây, đi dọc theo các trục đường chính Vườn Lài hay quốc lộ 1A, chúng tôi đã bắt gặp những ngôi nhà cao tầng nằm san sát nhau. Cái cảnh đìu hiu lặng lẽ của một vùng quê nước ngập quanh năm được thay vào đó là cảnh bán buôn nhộn nhịp. Đây cũng là tiền đề giúp địa phương thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp cho phù hợp với một vùng đô thị.