Bình ổn giá thuốc: Tập trung quản lý công tác đấu thầu

Kinh tế - Ngày đăng : 06:55, 21/04/2010

(HNM) - Chiều 20-4, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức lấy ý kiến của các chuyên gia quản lý ngành dược về vấn đề quản lý giá thuốc.

Theo Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), hiện nay thị trường dược phẩm trong nước hiện phải nhập khẩu khoảng 90% nguyên liệu sản xuất và 50% mặt hàng thuốc. Giá thuốc tăng do theo luật dược các công ty sản xuất, xuất nhập khẩu, buôn bán thuốc được quyền tự định giá theo biến động của thị trường.

Đại diện một số công ty dược phẩm trong nước kiến nghị Bộ Y tế cần có chiến lược dự trữ nguyên, phụ liệu sản xuất thuốc để ổn định giá nguyên liệu đầu vào, giải quyết cơ bản bình ổn giá thuốc. Một số ý kiến khác cho rằng, Bộ Y tế nên tổ chức đấu thầu quốc gia về giá thuốc thay vì để từng địa phương, từng bệnh viện đấu thầu riêng lẻ dẫn đến loạn giá thuốc như hiện nay.

Ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược - Bộ Y tế, cho biết: Bình ổn giá thuốc không đồng nghĩa với việc sử dụng các biện pháp hành chính để giữ giá thuốc không tăng, không giảm, mà bình ổn là bảo đảm các sản phẩm thuốc không tăng đột biến, bất hợp lý và không tăng giá đồng loạt. Nhiều ý kiến cho rằng nên đưa ra quy định về giá tối đa để dễ quản lý việc tăng giá thuốc, tuy nhiên việc này không mang tính khả thi vì lượng thuốc trên thị trường rất lớn với hơn 22.000 mặt hàng, các sản phẩm đều khác nhau về hàm lượng, hoạt chất, quy cách đóng gói, nhà sản xuất... nên việc đưa ra giá tối đa là rất khó thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, nên tập trung vào quản lý 500 loại thuốc thông dụng bảo đảm nguồn cung và giá cả hợp lý đối với những mặt hàng này. Đồng thời, nên tập trung quản lý công tác đấu thầu thuốc ở các cơ sở khám chữa bệnh công lập vì nơi đây tập trung 85% các đối tượng dùng thuốc; tăng cường kiểm tra, kiểm soát để tránh tình trạng lạm dụng, sử dụng thuốc bất hợp lý, không cần thiết và khuyến khích việc sử dụng thuốc nội, đặc biệt với những bệnh nhẹ thông thường.