Chống... “phủi bụi”
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:17, 20/04/2010
Rồi xăng chứa aceton làm hỏng động cơ gắn máy, hàng trăm người nhẫn nại xếp hàng chờ hoàn tiền ATM hụt két... Chưa kể chuyện điện, nước phập phù... Công luận lên tiếng, rút cuộc rồi cũng "hòa cả làng" - "Một điều nhịn, chín điều lành". Kiện ư? Rồi sẽ đến đâu? Ví dụ, xăng là một sản phẩm có tiêu chí chất lượng vô cùng phức tạp, hậu quả cũng khó mà định lượng, khi ra công đường, người tiêu dùng lấy gì để chứng minh thiệt hại?
Các cơ quan hữu trách thì sao? Họ đâu có quyền xử phạt. Thế nên cho đến bây giờ vẫn chưa có doanh nghiệp gian dối nào bị xử lý. Nên nỗi, ngay trong cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ngày 17-4, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cũng phải ngậm ngùi: Người tiêu dùng Việt Nam đã phải sống trong môi trường không an toàn, quyền và lợi ích hợp pháp bị vi phạm nghiêm trọng; nhưng nhiều khi chế tài đối với các cơ sở kinh doanh vi phạm quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng lại chỉ như "phủi bụi".
Do vậy, việc ban hành một đạo luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là hết sức cần thiết nhằm tạo ra hành lang pháp lý để giải quyết được những bức xúc mang tính xã hội giữa các nhà kinh doanh và "thượng đế" của họ.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có tính đặc thù, gắn với đời sống thường nhật của hàng triệu người dân nước Việt và cả cộng đồng doanh nghiệp, do đó trong quá trình bàn thảo, xây dựng có nhiều ý kiến khác nhau cũng là lẽ thường. Tuy nhiên, bộ luật này cần được hoàn thiện trên cơ sở để khắc phục vị thế bất cân xứng của người tiêu dùng về khả năng chi phối giá cả, các điều kiện giao dịch, rủi ro phát sinh từ quá trình tiêu dùng... Cũng vì thế, luật cần quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhất định không để việc ai cũng có trách nhiệm để rồi lại "đánh bùn sang ao". Cũng cần có các điều khoản chung quy định trách nhiệm của nhà sản xuất, cung cấp dịch vụ, trong việc bảo đảm an toàn chất lượng hàng hóa, trách nhiệm bảo hành đối với sản phẩm... Và quan trọng hơn là luật phải lấy người tiêu dùng làm trung tâm và có các điều khoản để họ có thể tự bảo vệ quyền lợi của mình thông qua các tổ chức xã hội.
Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, việc chỉ kêu gọi "lòng tốt" của doanh nghiệp là chưa đủ, nếu không nói là không hề khả thi. Do đó, xin nhắc lại rằng, việc ban hành luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là rất bức thiết.