Người dân Mỹ biểu tình ủng hộ nạn nhân da cam
Chính trị - Ngày đăng : 15:17, 19/04/2010
Cuộc biểu tình do “Chiến dịch Hỗ trợ và trách nhiệm với các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam” phát động tại công viên Prospect, nơi diễn ra sự kiện “Chạy vì nước sạch” của công ty Dow tổ chức.
Người dân New York biểu tình tại công viên Prospect. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)
Những người tổ chức biểu tình cho rằng công ty Dow đang lợi dụng các hoạt động như “Chạy vì nước sạch” để che giấu hành vi gây ô nhiễm nguồn nước và phá hủy hệ sinh thái ở Việt Nam và nhiều nơi khác.
Dow, Monsanto cùng nhiều công ty hóa chất khác của Mỹ đã thu lời hàng tỷ USD nhờ sản xuất chất độc da cam/dioxin và các loại hóa chất độc hại khác cho quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam trong giai đoạn từ năm 1961-1971. Hàng triệu người Việt Nam thuộc nhiều thế hệ đã bị chết, tàn tật và dị tật bẩm sinh vì chất độc. Nhiều địa phương của Việt Nam vẫn còn bị ô nhiễm.
Vụ rò rỉ khí độc tháng 12/1984 từ nhà máy sản xuất thuốc trừ sâu của công ty Union Carbide, sau này được Dow mua lại, ở Bhopal, Ấn Độ, cũng đã làm hàng nghìn người thiệt mạng và hàng chục nghìn người phải gánh chịu hậu quả. Tuy nhiên, công ty Dow vẫn lẩn tránh trách nhiệm về những hậu quả mà các sản phẩm của họ đã gây ra cho người dân Việt Nam, Ấn Độ và ngay tại Mỹ.
Nhiều nhà hoạt động xã hội và cựu binh Mỹ đã tham gia biểu tình, hô vang các khẩu hiệu phản đối công ty hóa chất Dow gây độc hại nguồn nước, hủy hoại môi trường và đòi công ty này phải làm sạch những vùng đất vẫn còn bị nhiễm độc cũng như bồi thường cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.
Anh Adam Weissman, một thành viên trong ban tổ chức cuộc biểu tình, nói rằng thật hổ thẹn khi Dow tìm cách che giấu hành vi gây độc hại nguồn nước và hủy hoại môi trường của mình bằng cách tổ chức những hoạt động như sự kiện “Chạy vì nước sạch” này. Dow phải có trách nhiệm làm sạch môi trường, trong đó có nguồn nước ở những nơi mà sản phẩm của họ đã gây ô nhiễm như ở Việt Nam, Ấn Độ, Mỹ và nhiều nơi khác.
Luật sư Jeannie Mirrer, người đã sang Việt Nam nhiều lần và đã từng đại diện cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tại tòa án Mỹ, cho biết bà đã tận mắt chứng kiến nhiều thảm cảnh mà chất độc này gây ra cho thế hệ con cháu của các quân nhân Việt Nam. Nhiều trẻ em Việt Nam sinh ra ngày nay vẫn còn bị dị tật. Nhiều thành phố, làng mạc ở Việt Nam vẫn còn bị nhiễm độc. Việc Dow cùng một số công ty hóa chất khác của Mỹ kiếm hàng tỷ USD lợi nhuận nhờ sản xuất chất độc da cam/dioxin và các loại chất độc chết người khác là tội ác.
Bà lấy làm tiếc khi tòa án Mỹ đã bác bỏ vụ kiện tập thể của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đòi các công ty hóa chất Mỹ, trong đó có Dow, phải bồi thường. Tuy nhiên, không thể vì thế mà Dow có thể rũ bỏ trách nhiệm. Theo bà Mirrer, Dow biết rõ những hậu quả mà sản phẩm của họ có thể gây ra cho con người và môi trường.
Thông cáo báo chí của tổ chức “Chiến dịch Hỗ trợ và trách nhiệm với các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam” dẫn lời ông Larry Abbott, người đã từng tham gia cuộc chiến tranh ở Việt Nam, nói rằng nhiều cựu binh Mỹ đã chết vì ung thư, hậu quả của chất độc da cam/dioxin do Dow sản xuất ở Việt Nam.
Theo ông,Dow đã thu lợi nhuận nhờ sản xuất chất độc da cam có chứa chất dioxin gây chết người, nay họ phải chịu trách nhiệm về việc này.
Giáo sư Y học Brian Mooney thuộc Đại học New York cũng cho rằng thay vì chi tiền cho các hoạt động quảng cáo như “Chạy vì nước sạch", Dow cần làm sạch nguồn nước đang bị ô nhiễm do chất độc hóa học của họ gây ra ở nhiều nơi.
Anh Phạm Thế Minh, một trong những nạn nhân thế hệ thứ hai của chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam, cho biết chuyến đi Mỹ lần này của đoàn nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam là nhằm trao đổi với các cựu binh Mỹ về những vấn đề liên quan tới chất độc này và đòi Dow hàn gắn những vết thương mà họ đã gây ra ở Việt Nam./.