Chi phí và cơ hội

Giáo dục - Ngày đăng : 06:36, 18/04/2010

(HNM) - Bác sĩ Trịnh Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội cho biết, năm 2009, Bệnh viện đã tổ chức khảo sát tình trạng mắt trên 16.000 học sinh tiểu học, THCS, THPT. Kết quả, tỷ lệ cận thị ở học sinh bậc tiểu học là 20%, THCS 30% và cao nhất là THPT trên 50%. Nguyên nhân là do học sinh học thêm nhiều, học trong điều kiện thiếu ánh sáng, sử dụng vi tính...

Nguyên nhân là do học sinh học thêm nhiều, học trong điều kiện thiếu ánh sáng, sử dụng vi tính...

Một khảo sát khác cho thấy, học sinh Việt Nam bị mắc bệnh cong vẹo cột sống chiếm tỷ lệ từ 15 đến 25%. Nguyên nhân là do tư thế ngồi sai, mang vác nặng và kích thước bàn ghế không phù hợp. Giám đốc Công ty cổ phần Thiết bị trường học Việt Nam Lê Anh Dũng cho biết, đa số bàn ghế trong các trường học không đạt các kích thước theo tiêu chuẩn và chưa bố trí được như yêu cầu. Bàn cho học sinh tiểu học phải nghiêng 15 độ nhưng trên thực tế hầu hết bàn được thiết kế phẳng dẫn đến cột sống bị chèn ép, làm tổn thương dây thần kinh điều khiển hệ vận động, làm rối loạn chức năng của tim, phổi, mắt... Đấy là chưa kể đến tình trạng bàn ghế học sinh hiện nay vừa để học nhưng cũng vừa để làm giường ngủ trưa. Hiện tại, phần lớn các trường tiểu học vẫn đang sử dụng chung một loại bàn ghế cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 5, thậm chí là dùng chung cho cả THCS.

Điều đáng quan tâm nữa cán bộ y tế trường học hiện nay gần như không có khả năng tự khám bệnh cho học sinh vì họ phải kiêm nhiệm nhiều việc, số người có trình độ từ trung cấp y tế còn rất ít. Điều này xuất phát ở chức danh của cán bộ y tế trường học. Là cán bộ y tế nhưng họ lại không được hưởng phụ cấp của ngành y tế trong khi cán bộ y tế làm cho các cơ sở sự nghiệp vẫn có lương, phụ cấp nghề nghiệp và họ "lẻ loi" cả trong Ngày Nhà giáo Việt Nam lẫn Ngày Thầy thuốc Việt Nam.

Hiện cả nước có trên 36.000 trường học với gần 25 triệu học sinh, sinh viên, chiếm khoảng 26% tổng dân số, thế nhưng sức khỏe của các em vẫn chưa được quan tâm. Một trong những lý do quan trọng là thiếu kinh phí cho y tế học đường. Ai cũng biết kinh phí bỏ ra để đầu tư cho đội ngũ cán bộ y tế học đường rất nhỏ so với gánh nặng chi phí mà xã hội phải chi trả cho điều trị khi thế hệ tương lai của chúng ta mang bệnh. Thế nhưng không hiểu sao vấn đề này vẫn bị thờ ơ?

Việt Nhân