Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam chưa rõ tính khả thi

Kinh tế - Ngày đăng : 06:07, 18/04/2010

(HNM) - Chiều 17-4, Bộ trưởng Bộ GT-VT Hồ Nghĩa Dũng đã báo cáo UB TVQH về dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Theo Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng, đến năm 2030, nhu cầu thực tế trên hành lang vận tải Bắc - Nam lên tới 195 triệu hành khách/năm trong khi năng lực chỉ đạt khoảng 138 triệu hành khách/năm.

Do vậy xây dựng đường sắt cao tốc (ĐSCT) là hết sức cần thiết. Bộ trưởng cho biết, dự án ĐSCT Bắc - Nam do Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư, khi hoàn thiện có chiều rộng khổ đường 1,4m, chiều dài 1.570km từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh, tổng vốn đầu tư là 55.853 triệu USD. Nếu được QH thông qua, dự án bắt đầu thiết kế xây dựng vào năm 2012. Sau khi tuyến ĐSCT này được đưa vào khai thác (sau năm 2035), hành trình giữa Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ rút ngắn xuống còn 5h30 (hiện tại mất khoảng 30h bằng đường sắt thường). Đồng thời, dự án này sẽ thúc đẩy phát triển đô thị dọc ĐSCT, cũng như góp phần cải thiện tình trạng giao thông trên các tuyến đường bộ hiện có.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Đặng Vũ Minh bày tỏ quan điểm của Ủy ban đồng ý với chủ trương xây dựng ĐSCT Bắc - Nam. Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng, với dự án lớn như vậy, việc đầu tư đồng loạt toàn tuyến là không thể. Vì vậy trước mắt, đến năm 2020 cần đưa vào khai thác đoạn tuyến Hà Nội - Vinh và đoạn tuyến TP Hồ Chí Minh - Nha Trang để giải quyết cơ bản yêu cầu vận tải hành khách ở 2 trung tâm lớn của đất nước. Sau đó đầu tư xây dựng tiếp đoạn tuyến Vinh - Nha Trang để nối thông toàn tuyến vào năm 2035.

Do đây là dự án đặc biệt về quy mô, chiều dài, nên UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH cũng đề nghị Bộ GT-VT trong tháng 5 tới báo cáo QH về 6 vấn đề chưa được làm rõ. Đó là cơ sở lựa chọn xây dựng ĐSCT ở nước ta trong giai đoạn hiện nay, trong khi chỉ rất ít các nước trên thế giới áp dụng; hiệu quả kinh tế tổng hợp của dự án trong cân đối chung giữa vốn đầu tư - lợi ích kinh tế do dự án mang lại; công tác quy hoạch, khả năng bảo đảm tiến độ thực hiện; tính hợp lý trong dự toán vốn và phương thức huy động vốn; khả năng tham gia của các nhà đầu tư tư nhân; các biện pháp để bảo đảm an toàn cho các đoàn tàu cao tốc trong hoàn cảnh thực tế ở Việt Nam…

Hà Phong