Cao Lĩnh - Thôn 10 năm “khát” nước
Đời sống - Ngày đăng : 05:40, 17/04/2010
10 năm dân thiếu nước
Khi đến từng nhà dân, chúng tôi thực sự bất ngờ khi thấy giếng khơi, bể nước nhà nào cũng cạn trơ đáy. Ông Phùng Tiến Trường, Bí thư chi bộ thôn Cao Lĩnh cho biết, cả thôn có 109 hộ với 502 nhân khẩu nhưng đến nay chỉ có 10 hộ lo được đủ nước ăn bằng cách xây bể chứa nước, còn lại nhà nào cũng cạn ráo trong giếng, bể. Theo ông Trường, thời gian thiếu nước từ khoảng tháng 10 đến hết tháng 2 âm lịch hằng năm và tình trạng này diễn ra hơn chục năm nay. Năm nay, do tình hình hạn hán kéo dài, việc thiếu nước sinh hoạt trong thôn càng trầm trọng hơn. Cũng theo ông Trường, có tới cả trăm cuộc họp thôn, xã hay tiếp xúc cử tri, người dân Cao Lĩnh đã phản ánh về vấn đề thiếu nước sinh hoạt tới các cấp chính quyền tìm biện pháp tháo gỡ nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện. Cụ bà Phùng Thị Nga bộc bạch, ngay cả nước uống còn không đủ, nói gì đến nước tắm, giặt. Đã 72 tuổi đầu như tôi đây mà hằng ngày vẫn phải ra giếng công cộng của làng để gạn từng xô nước. Cơ cực quá!
Người dân thôn Cao Lĩnh (Phú Sơn, Ba Vì) chắt chiu từng giọt nước trong sinh hoạt. Ảnh: Thu Hằng |
Chủ tịch UBND xã Phú Sơn Chu Bá Tráng cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nước cục bộ ở thôn Cao Lĩnh là do thôn nằm trên đồi Phú Hữu ở độ cao khoảng 300m so với mực nước biển nên nguồn nước ngầm khan hiếm. Nguồn nước sinh hoạt của thôn trước đây phụ thuộc vào kênh Chính Tây dẫn nước từ Trạm bơm Trung Hà về, nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, do mương sạt lở, bồi lấp cộng với việc người dân lấn chiếm lòng mương xây dựng hàng, quán đã gây cản trở dòng chảy, lượng nước chảy qua thôn ít khiến nguồn nước ngầm ngày càng cạn kiệt. Gần đây thôn đã xây dựng 3 giếng công cộng ở rìa làng phục vụ nhu cầu sử dụng của nhân dân. Nhiều giải pháp khác cũng đã được áp dụng nhằm giúp người dân bớt "khát", như xây giếng, bể trữ nước, khoan giếng, bơm nước từ kênh mương, ao, ngòi về vườn nhà cho thẩm thấu xuống giếng khơi... nhưng hầu hết đều không khả thi. Nhiều hộ trong thôn đã chi phí hàng chục triệu đồng xây dựng bể, đào giếng song vào mùa khô giếng vẫn cạn trơ đáy. Gia đình anh Phùng Văn Thuật xây một chiếc giếng, thể tích 50m3 nhưng nay không còn giọt nước nào. Hiện ngoài việc đi xin nước quanh xã, một tháng gia đình anh phải mua nước 2-3 lần về dùng với giá 100.000 đồng/xe 4m3. Thiếu nước sinh hoạt không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất của bà con. Ông Phùng Văn Lệnh, người dân trong thôn, bức xúc: Nhiều hộ có nhu cầu mở rộng quy mô chăn nuôi bò, lợn, nhưng do khó khăn về nước uống cho đàn gia súc nên đành "gác" chí làm giàu lại, chấp nhận mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ.
Dân mong sớm có nước dùng
Ông Chu Bá Tráng, Chủ tịch UBND xã Phú Sơn cho biết, để giải quyết thiếu nước sinh hoạt, giải pháp trước mắt xã sẽ đầu tư kinh phí xây dựng cho thôn thêm 1-2 giếng công cộng phục vụ nhu cầu sử dụng của bà con. Ngoài ra, các hộ nên đầu tư xây dựng bể chứa nước tại gia đình. Tuy nhiên, Cao Lĩnh là một trong những thôn khó khăn, vẫn còn 33/109 hộ thuộc diện nghèo nên việc tự lo kinh phí để xây giếng, bể trữ nước là khó có thể. Còn về lâu dài, trước đề nghị của người dân Cao Lĩnh nói riêng và xã Phú Sơn nói chung, mới đây Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình đã giao Sở Xây dựng nghiên cứu việc đầu tư xây dựng nhà máy cấp nước sạch phục vụ nhân dân Phú Sơn nằm trong dự án mở rộng Nghĩa trang Yên Kỳ. Chủ trương lâu dài của TP là vậy, nhưng việc triển khai một dự án chưa biết đến bao giờ mới thực hiện. Điều này đồng nghĩa với việc người dân Cao Lĩnh vẫn tiếp tục phải chịu tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng trong mùa khô.