Bài 4: Đất đẫm máu trộn mồ hôi
Chính trị - Ngày đăng : 05:21, 17/04/2010
"…Chiến thắng lớn đến từ hy sinh to lớn
Ai đếm khăn tang, ai đong máu chiến trường ?..."
(Trích Văn bia "Đời đời ghi nhớ" tại Đền tưởng niệm Liệt sĩ ở Bến Dược - Củ Chi)
Đã 35 năm sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, hôm nay đi trên mảnh đất Củ Chi - nơi được mệnh danh "đất thép thành đồng" - lòng tôi ngập tràn niềm tự hào và xúc động. Bên những vườn điều bát ngát, những đồng mía mênh mông và những thửa ruộng lúa đơm bông vàng óng hay sau những rặng tre, khóm trúc thanh bình… vẫn còn loang lổ những hố bom, vết đạn pháo. Dấu tích chiến tranh không chỉ có vậy. Đó còn là nỗi đau trong lòng những người đang sống. Chỉ riêng trong kháng chiến chống Mỹ, hơn 10 nghìn người trên mảnh đất này đã ngã xuống, 4.385 người bị thương tật, 28.421 căn nhà bị đốt cháy hoặc san phẳng và khoảng 23 nghìn hộ (trong hơn 32 nghìn hộ) là gia đình thương binh, liệt sĩ…
Sức sống từ trong lòng đất
Tôi có may mắn được tiếp cận với Đại tá Phạm Tấn Thành (Hai Thành), nguyên Chính trị viên Trung đoàn Quyết Thắng (sau là Trung đoàn Gia Định) để nghe kể về mảnh đất mà từ 14-15 tuổi ông đã tham gia làm cách mạng. Ông bắt đầu câu chuyện từ những lời "cửa miệng" của địch hồi chưa giải phóng: "Củ Chi, củ chỉ, củ chì/thằng khôn đã rút, thằng lì ở đây". Có nghĩa là địch điều lính về Củ Chi toàn loại ác ôn, sừng sỏ. Điển hình hồi năm 1966, Mỹ đã dùng Sư đoàn bộ binh số 1 thực hiện cuộc hành quân mang tên "cái bẫy" (Crimp) để càn quét, đánh phá Củ Chi rồi đưa Sư đoàn 25 "Tia chớp nhiệt đới" về lập căn cứ Đồng Dù… Không phải ngẫu nhiên vậy, bởi Củ Chi là vùng đệm, là "gạch nối" giữa những cánh rừng bạt ngàn của miền Đông và Sài Gòn.
Đại tá Phạm Tấn Thành giới thiệu với PV HàNộimới về sơ đồ hệ thống địa đạo Củ Chi. |
Hơn 500.000 tấn bom đạn trút xuống và hàng nghìn cuộc hành quân được chế độ cũ thực hiện trong hơn 20 năm đều nhằm mục tiêu duy nhất - biến Củ Chi thành "vùng đất trắng" bảo vệ sự an toàn cho chính quyền Sài Gòn... Có ngôi nhà nào trên đất này còn nguyên vẹn đâu - ông Hai Thành nghẹn lời. Vợ ông chỉ căn nhà ngói nơi tôi đang ngồi: Như nhà tui đây này cũng 4 lần bị "san phẳng"…
Vậy nhưng quân và dân Củ Chi với tinh thần "một tấc không đi, một ly không rời" đã một lòng một dạ bám đất, giữ làng. Những hầm trú ẩn, hầm cán bộ cách mạng hoạt động trong vùng địch hậu, nơi cất giấu tài liệu, vũ khí… từ thời kháng chiến chống Pháp ở hai xã Tân Phú Trung và Phước Vĩnh An được "nâng cấp" và lan tỏa sang các xã, tạo thành địa đạo trong lòng đất. Từ năm 1961 Củ Chi phát động phong trào đào địa đạo, trẻ già, trai gái khắp các xã đều kiên trì tham gia xây dựng những "làng chiến đấu" trong lòng đất. Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi địa đạo là một "pháo đài". Các gia đình ở khu vực "vành đai", nhà nào cũng đào hầm, hào nối vào địa đạo, tạo thế liên hoàn, vừa bám trụ sản xuất vừa đánh giặc giữ làng. Ông Hai Thành kể, bất cứ làng nào trên mảnh đất này hồi đó đều có những "kiện tướng đào địa đạo" vượt qua kỷ lục 7m chiều dài trong một ngày. Chỉ bằng những dụng cụ hết sức thô sơ như cuốc ngao cán ngắn và những chiếc ki đan bằng tre để chuyển đất ra ngoài, đến trước ngày giải phóng (1975), quân và dân Củ Chi đã thiết lập được hệ thống địa đạo có chiều dài lên tới gần 250km, nhiều nơi chia thành 3 tầng, tầng sâu nhất cách mặt đất tới 12m. Một công trình mà nhiều CCB Mỹ sau này trở lại Việt Nam tham quan đã phải thốt lên là "không tưởng". Điều đó cũng lý giải tại sao những trận càn quét của Mỹ - ngụy vào Củ Chi, du kích, bộ đội luôn xuất hiện như từ dưới đất chui lên…
Từ năm 1954 đến năm 1975, quân và dân Củ Chi đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 22.000 quân địch, phá hủy 5.000 xe tăng và thiết giáp, bắn rơi, bắn hỏng 256 máy bay các loại, bắn chìm và cháy 22 tàu, xuồng chiến đấu, phá hủy 270 lượt đồn bốt... |
Máu trộn mồ hôi đã làm nên "đất thép thành đồng" Củ Chi với địa đạo trong lòng đất cùng hệ thống những bãi chông nổi, chông chìm kết hợp với hố đinh, bãi trái (mìn chống tăng)… trở thành nỗi khiếp sợ, kinh hoàng của địch.
Ông Hai Thành kể, năm 1961-1962, khi ông còn làm Chính trị viên Tiểu đoàn Quyết thắng (bộ đội địa phương), địch bắt vợ ông đi tù. Biết chuyện, ông nhờ họ hàng khi vào thăm nhắn với bà rằng, bà cứ "yên tâm" ở tù chờ ông đánh giặc, phá nhà tù đưa vợ trở về… Chuyện của ông còn rất dài và có những điều rất mộc, rất bình dị nhưng đã tạo nên một Củ Chi huyền thoại trong những năm tháng chiến tranh: 16 xã được phong tặng danh hiệu Anh hùng; là quê hương của 32 Anh hùng LLVTND, 782 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 1.800 người được phong danh hiệu Dũng sĩ…
Quê hương Anh hùng thay da đổi thịt
Sau ngày giải phóng, "đất thép thành đồng" hầu như không còn nơi nào lành lặn. Vết thương trong lòng người chưa nguôi thì tàn tích của chiến tranh cùng sự chết chóc vẫn đang hiển hiện, từng ngày từng giờ đe dọa tính mạng của những người đang sống. Ngay cả khi đất nước đã thống nhất, Bắc - Nam liền một dải, đất Củ Chi vẫn còn thấm máu của không ít những người con của quê hương và mọi miền Tổ quốc đã ngã xuống để giành lại sự yên bình. Gần 95.000 quả bom mìn đã được tháo gỡ và phá nổ cho màu xanh hồi sinh trên "vùng đất trắng".
Nhớ chuyện của Anh hùng
LLVTND Tô Văn Đực (Út Đực), người chuyên sáng chế vũ khí của địch diệt địch và trực tiếp tiêu diệt 13 xe tăng. Khi tiếng súng ngưng, Út Đực trở về nhà ở xã Nhuận Đức. Khi ra nghĩa trang liệt sĩ của địa phương để thắp nhang cho những đồng đội không có may mắn được chứng kiến ngày đất nước hòa bình, ông không khỏi ngạc nhiên khi thấy mình cũng có tên trong danh sách những liệt sĩ đã hy sinh. Thì ra, mọi người tưởng ông đã nằm lại đâu đó, còn ông thì theo riết những cánh quân tiến về Sài Gòn. Thế rồi, ông lập trang trại trên mảnh đất rộng hơn 2 hécta, đào ao thả cá, trồng cây ăn trái, nuôi heo rừng, nhím, treo… Nay mỗi năm trang trại của ông cho thu nhập tới vài trăm triệu đồng. Và với người dân Củ Chi, ông là một trong những điển hình tiêu biểu của "đất thép thành đồng" thời kỳ đổi mới, dựng xây quê hương.
Vợ chồng ông Hai Thành (tổ 6 ấp Bầu Điều, xã Phú Thạnh) sau khi lo công ăn việc làm rồi dựng vợ gả chồng cho mấy đứa con, năm 2002 cũng đã dành dụm đủ tiền để xây lại căn nhà cho tươm tất. Chỉ vào hơn chục tải lúa để trước thềm nhà, ông Hai Thành bảo: "Giờ giá hạ quá nên chưa bán, khi nào được giá tính sau. Chưa giàu nhưng thừa ăn rồi, chỉ thiếu… lúa bán". Rồi ông làm tợp rượu thuốc ngâm chuối hột chống đau lưng và cười sang sảng. Ở tuổi ngót tám mươi mà sức vóc như ông Hai Thành, chắc nhiều thanh niên thành thị còn chạy dài. Vợ ông "mách", ông chả chịu… yên chân yên tay, cả ngày lọ mọ chăm vườn cây trái, còn bà thì tất nhiên bận bịu với lũ cháu nội ngoại…
Theo Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Lê Minh Tấn, bây giờ nông dân ở đây không phải lo chuyện đủ ăn mà là tính chuyện làm giàu. Cơ cấu kinh tế nông thôn toàn huyện đang gấp rút chuyển đổi theo công thức "2 cây - 2 con" (gồm nuôi bò sữa, nuôi cá sấu, trồng rau an toàn và trồng cây cảnh). Trong đó, người Củ Chi rất tự hào vì đàn bò sữa của huyện chiếm tới 40.000 con trên tổng đàn 60.000 con của toàn thành phố. Không chỉ riêng lĩnh vực nông nghiệp, huyện đặt ra chỉ tiêu phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ đều ở mức trên dưới 8%/năm và yếu tố về tốc độ tăng trưởng phải đi đôi với phát triển bền vững. Mục tiêu toàn huyện đang phấn đấu là hoàn toàn có cơ sở khi hàng loạt các dự án đang được triển khai tại 4 khu, cụm công nghiệp - du lịch - dịch vụ trên địa bàn…
Củ Chi đang vững bước tiến về phía trước, xứng đáng với danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, xứng đáng với xương máu của những người đã ngã xuống để bảo vệ đất này.