Ngành nghề nào cần bắt buộc lao động phải qua đào tạo?
Kinh tế - Ngày đăng : 22:21, 16/04/2010
Mấy năm gần đây ngành Giáo dục - Đào tạo đang chuyển mạnh theo xu hướng đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp. Do đó một số ngành nghề mới cũng đã được chú ý đưa vào chương trình đào tạo nhằm đáp ứng với sự hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới. Nghĩa là nó không những giúp doanh nghiệp đưa giá trị sản phẩm dịch vụ cao ra thị trường mà còn tạo ra đòn bẩy phát triển xã hội và nghề nghiệp. Vì vậy cũng đặt ra vấn đề bắt buộc nhân lực thuộc các ngành nghề nào phải qua đào tạo thì doanh nghiệp mới được phép tuyển dụng ...
Người lao động cần phải qua đào tạo
Từ trước tới nay dù chưa có quy định bắt buộc nào nhưng việc tuyển dụng người lao động qua đào tạo luôn được các doanh nghiệp ưu tiên hơn. Bởi thực tế cho thấy nếu lao động qua đào tạo nghề bài bản thì ắt có kỹ năng ứng dụng công nghệ vào nghề nghiệp cao hơn và chính qua những lao động này mà doanh nghiệp tiếp thu được kiến thức khoa học về các lĩnh vực công nghệ mới từ hệ thống đào tạo.
Mặt khác, theo thống kê tình hình tai nạn lao động (TNLĐ) qua các năm cho thấy những người có hành vi vi phạm quy phạm an toàn lao động theo từng năm vẫn khá cao, cụ thể: 2007: 23,5%; 2008: hơn 23%; 2009: 14%. Điều đó dẫn đến tình trạng mất an toàn lao động vẫn có thể xảy ra mà trong thực tế là nó chưa hề giảm. Đặc biệt, những tai nạn thường hay xảy ra ở những người lao động chưa được qua đào tạo bởi họ không hề biết các quy phạm an toàn lao động. Tai nạn lao động (TNLĐ) xảy ra liên tiếp như những năm gần đây hầu hết các nguyên nhân đều xuất phát từ NLĐ không được qua đào tạo về tay nghề. Mặc dù khi thanh, kiểm tra an toàn lao động thì người sử dụng LĐ cho biết tất cả lao động này khi vào làm việc đều đã được huấn luyện về vệ sinh, an toàn lao động theo quy định.
Ở nước ngoài muốn hành nghề là phải có chứng chỉ hành nghề, vấn đề này họ đã thưc hiện được vài chục năm nay. Hiện nay ở Việt Nam một số nghề cũng đã cấp chứng chỉ hành nghề như lái xe, Luật sư, y tá…. Điều kiện “cần” và “đủ” để cho người lao động có thể làm việc được ngoài bằng cấp về chuyên môn còn phải có chứng chỉ hành nghề, ví như việc tổ chức thi và cấp bằng lái xe ôtô. Đối với nghề lái xe sau 3 tháng học, tổ chức thi tốt nghiệp nếu đạt yêu cầu thì học sinh được cấp chứng chỉ nghề, sau đó học sinh muốn lái xe đi ra đường thì phải trải qua kỳ thì sát hạch để được cấp bằng, có thể hạng B1, B2, C, D, E…tuỳ theo nhu cầu người học…Tương tự như vậy nghề Luật sư cũng vậy, muốn hành nghề Luật sư ngoài việc có Bằng tốt nghiệp ĐH Luật thì phải có chứng chỉ hành nghề Luật sư do Hội Luât sư cấp…Còn dựa vào đâu đề đưa vào Dự thảo danh mục các nghề, công việc lao động phải qua đào tạo thì theo một số chuyên gia cho rằng, cần theo ba tiêu chí: Thứ nhất, các nghề, công việc nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm đến sức khoẻ và tính mạng, đòi hỏi NLĐ phải được đào tạo để hạn chế các tai nạn. Thứ hai, các nghề, công việc đòi hỏi NLĐ phải được đào tạo nhằm nâng cao chất lượng và sự an toàn của người sử dụng các sản phẩm, dịch vụ trong một số lĩnh vực đặc thù như: Y tế, GTVT, du lịch, văn hoá... Thứ ba, đối với nghề, công việc đòi hỏi NLĐ phải có bằng, giấy phép hành nghề (hoặc chứng chỉ hành nghề) mới được hành nghề theo quy định tại các Luật chuyên ngành như: Xây dựng, kiểm toán, đấu thầu, hoá chất... thì không quy định trong danh mục này.
Cần đưa vào danh mục bao nhiêu nghề là vừa?
Vừa qua, Bộ Lao động Thương binh-Xã hội đã phối hợp với Bộ Giáo dục - Đào tạo xây dựng đề án đổi mới và phát triển dạy nghề đến năm 2020. Trong đó ở giai đoạn đầu rất chú trọng tới việc xây dựng và hoàn thiện chương trình khung dạy nghề, tiếp thu những công nghệ tiên tiến để áp dụng vào thực tế ở nước ta, giảm thuê lao động chất lượng cao của nước ngoài, tăng xuất khẩu lao động có kỹ thuật cao. Tiếp theo đó là đưa các nghề, công việc nào phải sử dụng LĐ phải qua đào tạo là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với đề án đào tạo nghề hiện nay, tuy nhiên cũng cần phải cân nhắc tới việc chọn những ngành nghề nào cho phù hợp với thực tế trước mắt.
Hầu hết đại diện các bộ, ngành phát biểu tại hội nghị do Bộ LĐ-TBXH chủ trì mới đây để lấy ý kiến về vấn đề này đều cho rằng: Rất cần thiết hoàn thiện danh mục nghề, công việc để Chính phủ sớm ban hành Quyết định, vì đến nay mới xem xét đến vấn đề này là quá muộn. Hơn nữa cũng nên hiểu người lao động qua đào tạo là họ hoàn thành một khoá học theo một chương trình xác định và được cấp chứng chỉ hoặc văn bằng đào tạo tương xứng. Rõ ràng việc này có lợi cho cả DN và NLĐ vì NLĐ sẽ có ý thức hơn trong nâng cao nghề nghiệp, còn DN cũng có trách nhiệm hơn với NLĐ. Hiện dự thảo đề nghị do các bộ, ngành gửi lên cho Bộ LĐ-TBXH có khoảng hơn 500 nghề, công việc phải qua đào tạo nghề. Theo dự thảo những ngành nghề này được sắp xếp theo 9 nhóm ngành: Công nghiệp (gồm 10 lĩnh vực); xây dựng (4 lĩnh vực); giao thông vận tải (4 lĩnh vực); nông, lâm nghiệp, thuỷ sản (4 lĩnh vực); dịch vụ, du lịch (2 lĩnh vực); bưu chính viễn thông và thông tin liên lạc; y tế (3 lĩnh vực); văn hoá nghệ thuật; tài nguyên và môi trường (4 lĩnh vực).
Tuy vậy, rất nhiều ý kiến lo ngại rằng số lượng danh mục nghề, công việc này còn quá nhiều. Nếu được thông qua và có hiệu lực ngay, e sẽ ảnh hưởng và tác động không nhỏ đến SXKD của các DN cũng như đời sống, việc làm của hàng vạn LĐ. Theo đó, TCDN nên rà soát đưa ra khoảng 100 nghề, vị trí công việc thực sự cần thiết để ban hành trước, sau đó sẽ bổ sung dần chứ không nên đưa quá rộng và dàn trải như hiện nay./.