Phải chăng vỏ Trái đất đã trở nên bất ổn hơn?

Công nghệ - Ngày đăng : 14:28, 16/04/2010

Khi số người chết trong trận động đất kinh hoàng ở Thanh Hải, Trung Quốc, đã tăng lên hơn 600, không lâu sau các trận động đất tàn phá Chile và Haiti, một câu hỏi lập tức xuất hiện và được nhiều người quan tâm: Phải chăng lớp vỏ Trái đất đã trở nên bất ổn hơn và điều đó sẽ dẫn tới nhiều thảm họa trong tương lai?


Chỉ có con người thay đổi...

Câu trả lời của các nhà khoa học là hoàn toàn có thể. Họ thấy rằng mấy năm gần đây, các hoạt động địa chất trên lớp vỏ trái đất đã diễn ra nhiều hơn mức trung bình của cả một quãng thời gian dài. Cụ thể, trước trận động đất Yushu ở Trung Quốc đã có những cơn địa chấn lớn tại Mỹ, Mexico, Haiti, Chile và Nhật Bản, tất cả đều diễn ra trong năm nay. Điều đó cho thấy trái đất có vẻ như đang trong giai đoạn hoạt động mạnh về địa chất.

Tuy nhiên giới nghiên cứu đánh giá hiện tượng này không đồng nghĩa với việc sẽ có những bất ổn xuất hiện. “Trái đất dường như đã hoạt động tích cực hơn trong 15 năm qua” - Stephen S. Gao, một nhà địa chất ở Đại học Khoa học Công nghệ Missouri, nhận xét - “Chúng tôi vẫn chưa biết nguyên nhân của hiện tượng này. Có thể đó chỉ là do những sự xáo trộn tạm thời trên lớp ngoài cùng của vỏ trái đất”.

Trận động đất kinh hoàng ở Thanh Hải, Trung Quốc.

Andrew Michael, một nhà nghiên cứu tại Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS), thì cho rằng số lượng các trận động đất mạnh vẫn ở mức chấp nhận được. “Từ đầu năm tới nay thế giới đã chứng kiến 6 trận động đất mạnh hơn 7 độ Richter nhưng chúng vẫn nằm trong vòng dự đoán của chúng tôi” - Michael nói.

Theo nhà nghiên cứu này, động đất là chuyện diễn ra “như cơm bữa” trên Trái đất. Mỗi năm USGS lại phát hiện vài triệu cơn địa chấn. Tuy nhiên nhiều chấn động không bị người thường phát hiện do chúng tấn công các khu vực không có người ở hoặc quá nhẹ. Chỉ những vụ động đất tấn công các khu vực đông dân, như vừa diễn ra ở Trung Quốc, mới gây sự chú ý. Nhưng chúng cũng không có gì bất thường.

Trung bình mỗi năm thế giới đón nhận khoảng 17 trận động đất trên 7 độ Richter và khoảng 160 trận khác ở ngưỡng 6 độ Richter. Con số này có nghĩa là cứ khoảng 2 ngày lại có một trận động đất tương đối lớn. Vì lẽ đó, USGS cho rằng tỷ lệ động đất năm nay không có gì bất thường so với các hoạt động địa chất diễn ra suốt 100 năm qua.

J. Ramon Arrowsmith, một nhà địa chất tại Đại học bang Arizona, nhận xét rằng Trái đất vẫn vậy, chỉ có con người thay đổi và nghĩ Trái đất đang thay đổi. “Trước đây khi hoạt động kết nối thông tin toàn cầu còn kém, chúng ta ít nghe về tin tức động đất. Nhưng trong điều kiện ngày nay, khi tin tức tràn ngập, chúng ta sẽ nghe thấy nhiều tin tức loại này hơn. Song thực tế chẳng có dấu hiệu nào cho thấy tình trạng trái đất nóng lên hay bất kỳ chuyện gì khác đã làm tăng tần suất xuất hiện của các trận động đất” - Arrowsmith nói. Ngoài ra Arrowsmith cho rằng do dân số loài người tăng lên, người ta đã chuyển tới sống ở nhiều khu vực có địa hình nguy hiểm hơn và dễ bị động đất tấn công hơn. Và khi động đất lớn tấn công vào khu vực đông dân cư, tin dữ sẽ lan rất nhanh và xa.

“Khi một trận động đất lớn xảy ra làm nhiều người thiệt mạng thì sẽ có không ít cơ quan báo chí đưa tin. Trong khi đó, cũng với trận động đất tương tự, nếu xảy ra ở nơi đồng không mông quạnh, sẽ chẳng có ai thèm chú ý” - G. Randy Keller, giáo sư địa chất tại Đại học Oklahoma, nói.

Không có gì đáng ngại

Theo Keller, trận động đất mạnh 8,8 độ Richter ở Chile hồi đầu năm là một sự kiện bất thường bởi những thảm họa lớn như vậy không xảy ra thường xuyên. Giáo sư này nói thêm rằng trận động đất đó cũng không tỏ dấu hiệu nào cho thấy trái đất đang mất ổn định. “Trận động đất ở Chile mang tới những tác động thật khủng khiếp. Nhưng nó đã được dự báo sẽ xảy ra, ở địa điểm đó, không sớm thì muộn”, Keller cho biết.

Đó là chưa kể tới thực tế cả trận động đất ở Nhật và Chile đều xảy ra trong Vành đai lửa Thái Bình Dương. Đây là một khu vực hay xảy ra động đất và các hiện tượng phun trào núi lửa bao quanh vòng lòng chảo Thái Bình Dương. Nó có hình dạng tương tự vành móng ngựa và dài khoảng 40.000km. Nó gắn liền với một dãy liên tục những rãnh đại dương, vòng cung quần đảo, các dãy núi lửa và/hoặc sự chuyển động của những mảng kiến tạo. Đôi khi nó còn được gọi là vành đai địa chấn Thái Bình Dương. Khoảng 90% các trận động đất của thế giới, với 80% có cường độ mạnh nhất, diễn ra tại vành đai này.

Trong quá khứ, Trung Quốc đã bị nhiều trận động đất mạnh, làm hao tổn nhiều sinh mạng. Ví dụ hồi năm 1556, một trận động đất mạnh 8 độ Richter tấn công vùng Shensi đã làm 830.000 người thiệt mạng. Tới năm 1976, một trận động đất mạnh 7,5 độ Richter ở Tangshan đã sát hại 255.000 người. So với các trận động đất này, thảm họa mới xảy ra tại Yushu, Thanh Hải, có chút đặc biệt do nó nằm ở giữa cao nguyên Tây Tạng, một trong những mảng địa chất lớn của trái đất, thay vì ở vùng rìa như các trận động đất thông thường. Tuy nhiên chi tiết này cũng được giới nghiên cứu cho là hết sức bình thường. “Trận động đất vừa qua đã xảy ra ở phần Đông Bắc của cao nguyên Tây Tạng, vốn là khu vực có nhiều hoạt động kiến tạo địa chất”- Keller giải thích.

Điều giới địa chất lo ngại nhất hiện nay không phải những trận động đất mà là tác động hủy diệt do chúng mang đến. “Điều khiến giới địa chất chúng tôi hết sức lo lắng là hoạt động đô thị hóa diễn ra quá nhanh trên thế giới, nơi người ta sống túm tụm tại những công trình được xây dựng nghèo nàn” - Andrew Michael nói - “Các công trình với chất lượng kém này sẽ rất dễ sụp đổ và chôn vùi những sinh mạng bên trong nếu thảm họa động đất xảy ra”. Như để minh chứng cho tuyên bố của Michael, trong thảm họa vừa xảy ra ở thị trấn Yushu, cơn địa chấn mới chỉ 6,9 độ Richter đã quật ngã tới 85% công trình nhà cửa nơi đây, vốn được xây dựng chủ yếu từ bùn và gỗ.

TT&VH