Cơn chấn động chính trị tại Ba Lan

Thế giới - Ngày đăng : 07:27, 16/04/2010

(HNM) - Người dân Ba Lan đang phải trải qua sự mất mát quá lớn khi Tổng thống Lếch Cachưnxki cùng phu nhân và rất nhiều quan chức, tướng lĩnh cấp cao nước này đã tử nạn trong một vụ tai nạn máy bay tại miền Tây nước Nga.

Vụ tai nạn gây sốc này đã làm cho cả đất nước Ba Lan chìm trong nỗi buồn bởi Lếch Cachưnxki là vị Tổng thống Ba Lan đầu tiên chết lúc đương nhiệm. Và đây cũng là thảm họa gây nhiều cái chết nhất với hàng loạt quan chức Chính phủ (không phải vì nguyên nhân chiến tranh) trong lịch sử đất nước Ba Lan. Không đất nước nào lại có thể lường trước được một thảm họa khủng khiếp như vậy trong thời bình. Bên cạnh đó, sự ra đi đột ngột của hàng chục nhân vật nắm giữ những vị trí chủ chốt trong hàng ngũ lãnh đạo đang gây ra sự xáo trộn lớn trong đời sống xã hội và chính trị ở Ba Lan. Nhiều hãng thông tấn quốc tế còn ví sự kiện đau lòng này như "cơn chấn động chính trị" làm rung chuyển quốc gia Trung Âu này.

Tổng thống Ba Lan Lếch Cachưnxki cùng phu nhân và những người tử nạn máy bay.

Xét về góc độ nhân sự, nhận định trên hoàn toàn có cơ sở vì trong số các nạn nhân ngoài Tổng thống Lếch Cachưnxki và phu nhân, còn có Phó Chủ tịch Quốc hội, Tư lệnh lực lượng vũ trang, Thứ trưởng Ngoại giao, Thống đốc Ngân hàng trung ương, Giám đốc Cục An ninh quốc gia, Chỉ huy Lục quân, Tư lệnh Không quân, Chỉ huy lực lượng đặc biệt, Phó Đô đốc hải quân... Tình trạng khẩn cấp hiện nay chính là sự thiếu hụt trước mắt các vị trí lãnh đạo trong nhiều ngành của Ba Lan và điều đó có thể gây ra sự bất ổn đối với đất nước.

Phía quân đội, lực lượng chịu nhiều mất mát nhất, phải triệu tập cuộc họp khẩn cấp để giải quyết khủng hoảng nhân sự. Theo quy định của quân đội, các vị phó sẽ tiếp quản chức chỉ huy trong tình trạng khẩn cấp từ nay tới khi có sự bổ nhiệm chính thức. Điều này mở ra khả năng thay đổi thế hệ lãnh đạo trong quân đội Ba Lan cũng như nhiều hệ thống khác.

Điều đáng quan tâm là, thế cân bằng quyền lực chính trị ở đất nước Ba Lan đang đối mặt với nguy cơ bị phá vỡ. Hiện tại, 2 đảng phái có ảnh hưởng lớn nhất tại quốc gia Đông Âu này là đảng Luật pháp và Công lý (PIS) của cố Tổng thống L.Cachưnxki và đảng diễn đàn Công dân (PO) do Thủ tướng Đônan Tútxcơ lãnh đạo. Sau vụ tai nạn thảm khốc trên, cả hai đảng lớn này đều bị ảnh hưởng nặng nề về mặt nhân sự. Tuy nhiên, phe của tổng thống bị chịu tổn thất nhiều hơn. Trong ít tháng tới, PIS có thể trụ vững nhờ tình cảm của người dân. Nhưng khả năng để tình cảm đó có thể giúp đảng PIS giành được chiến thắng trong các cuộc bầu cử sắp tới rất mong manh.

Bên cạnh đó, vụ tai nạn xảy ra vào đúng thời điểm hầu hết các đảng phái chính trị ở Ba Lan đều đã sẵn sàng cho một trận đấu quyết liệt trong cuộc bầu cử Tổng thống dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 10 năm nay. Tuy nhiên, ít nhất hai ứng cử viên đã không còn có thể tham gia vào cuộc đua tranh này. Một là Tổng thống L.Cachưnxki, người được mong đợi là sẽ thông báo kế hoạch tranh cử nhiệm kỳ mới vào tháng 5 này. Người thứ hai là ông Giơdi Smadinxki, Phó Chủ tịch Quốc hội Ba Lan, lãnh đạo của Liên minh Cánh tả Dân chủ - một nạn nhân xấu số trong tai nạn máy bay. Việc khuyết vị trí lãnh đạo sẽ làm đảo lộn kế hoạch tranh cử mà 2 đảng đã vạch ra.

Theo Hiến pháp Ba Lan, Chủ tịch Quốc hội Brôni xlavơ Cômôrôxki, người tạm thời giữ chức Tổng thống sẽ thông báo kế hoạch bầu cử sớm trong vòng 14 ngày và một cuộc bầu cử phải được tổ chức trong vòng 60 ngày sau đó. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng một cuộc bầu cử vội vã khi mà đất nước Ba Lan vẫn còn chưa hết bàng hoàng và đau buồn khó có thể mang lại kết quả như mong đợi.

Quỳnh Chi