Doanh nghiệp hay người dân hưởng lợi?
Kinh tế - Ngày đăng : 07:19, 16/04/2010
Khách hàng giao dịch tại một chi nhánh của Mobifone. Ảnh: Thanh Hải |
Tại cuộc họp tổng kết ngành vào đầu năm nay, sau khi lãnh đạo Tập đoàn Viettel đề xuất Bộ TT-TT nên quy định mức giá sàn dựa trên việc tính toán đầu tư, khấu hao… của mỗi mạng để có giá sàn chung quy định cho các mạng lớn và những mạng nhỏ và mới tham gia thị trường, nhằm tránh tình trạng bán dưới giá thành gây thiệt hại cho DN và Nhà nước. Đề xuất này đã tạo ra không ít ý kiến với quan điểm cả ủng hộ và phê phán. Song, đề xuất này của Viettel được chính hai đối thủ lớn là Mobifone và Vinaphone tán đồng. Theo ông Hồ Công Việt, Trưởng phòng Kinh doanh của Công ty Vinaphone, việc khống chế giá sàn là cần thiết…
Bộ TT-TT cũng tiếp thu quan điểm này. Ông Phạm Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Viễn thông cho biết, Bộ sẽ không đưa giá sàn theo nghĩa cuối cùng, nhưng nếu xét trên quan điểm nào đó, giá thành mà DN đang cung cấp dịch vụ có thể hiểu là giá sàn mà DN không được bán phá giá. Bộ TT-TT sẽ phối hợp với Bộ Tài chính đưa ra quy định riêng với lĩnh vực tính giá cước viễn thông, căn cứ trên quy mô, điều kiện đầu tư, khả năng khai thác dịch vụ, năng lực quản lý... Đồng thời, Bộ ban hành quy định về giá cước di động năm 2010. Cũng vì lý do này, đầu tháng 4-2010, Bộ đã triệu tập họp các DN cung cấp dịch vụ để các đơn vị này đề xuất về giá cước (gồm cả cước cố định, cước kết nối…). Bộ TT-TT sẽ tổng hợp các ý kiến, sau đó sẽ có những cân nhắc, đánh giá và trên cơ sở đó sẽ ban hành định hướng giá cước năm 2010.
Ngoài những lý do kể trên, có ý kiến cho rằng, việc Bộ TT-TT đang cân nhắc phương án giảm cước của 3 nhà mạng trên là do việc giảm cước sẽ kéo theo doanh thu, lợi nhuận giảm, gây thiệt hại cho DN (trong khi cả hai Tập đoàn VNPT, Viettel đều đặt mục tiêu 100.000 tỷ đồng doanh thu trong năm 2010) và cho cả ngành viễn thông. Những lo ngại này không phải không có cơ sở. Song quan điểm của các DN lại cho rằng, giảm cước sẽ tạo ra sự kích thích tiêu dùng làm tăng lưu lượng cuộc gọi, mà khi khách hàng sử dụng nhiều hơn, sẽ góp phần đem lại doanh thu lớn hơn cho DN.
Theo Tổng cục Thống kê, tính đến hết tháng 3-2010, số thuê bao điện thoại cả nước ước đạt 137,6 triệu, trong đó thuê bao cố định là 19,7 triệu, số còn lại là 117,9 triệu thuê bao di động. Riêng 3 "đại gia" di động (Viettel, Mobifone và Vinaphone) chiếm thị phần khống chế với hơn 90%, ước khoảng 107 triệu thuê bao. Trong khi, khách hàng của các nhà mạng nhỏ được hưởng lợi từ các cuộc khuyến mại lớn của Beeline và Vietnamobile với cước cuộc gọi hấp dẫn, thì khách hàng của 3 "đại gia" trên vẫn phải chờ. Có thể trong số 107 triệu thuê bao của 3 "đại gia" chỉ có 50% là khách hàng thực, thì con số hàng chục triệu khách hàng đang chờ đợi được ưu đãi bằng giảm cước di động là có thực. Tuy lộ trình giảm cước di động năm 2010 cũng là phù hợp với quy định, nhất là khi cước thuê kênh đã giảm từ ngày 15-1-2010… nhưng khách hàng vẫn phải chờ.