“Tiên trách kỷ... ”
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:35, 16/04/2010
Năm ngoái, sau khi vi phạm của Vedan bị phanh phui, Viện Môi trường và Tài nguyên TP Hồ Chí Minh công bố khảo sát khẳng định 80-90% mức độ ô nhiễm của sông Thị Vải là do công ty này gây ra. Vậy là chỉ một hành vi vô trách nhiệm của một công ty có thể giết chết một dòng sông. Trong khi, cả nước có hàng chục vạn nhà máy sản xuất, nếu doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng dối trá, "bất thiện" như thế, Việt Nam sẽ có bao nhiêu dòng sông bị "giết"?
Những vi phạm môi trường được phát hiện vừa qua mới chỉ là "phần nổi" của "tảng băng" lớn. Trong khi đó, những phát hiện quan trọng, có tính chất răn đe chủ yếu nhờ lực lượng cảnh sát môi trường. Đó là chưa kể, dù đóng vai trò rất quan trọng, nhưng lực lượng này chỉ xử lý những hành vi xâm hại môi trường đã xảy ra. Bảo vệ môi trường cần những người chịu trách nhiệm "phòng bệnh" hơn "chữa bệnh". Chính Thủ tướng Chính phủ khi giải quyết vụ Vedan cũng nhận định: "Trách Vedan một thì phải trách các nhà quản lý hai, ba". Như vậy cũng có nghĩa là "tiên trách kỷ" - các nhà quản lý phải tự trách mình trước. Một điều hiển nhiên mang tính nguyên lý là các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này không được phép cứ để "bị trách" hoặc tự trách mãi như thế!
Trách nhiệm của chính quyền địa phương ở đâu khi để những dòng sông bị bức tử? Tại sao không phải là họ ra tay ngăn chặn mà phải đợi cảnh sát môi trường phá án? Người ta đã viện đủ lý do như thiếu người, thiếu kinh phí, nhưng tại sao không ai nhận mình... thiếu trách nhiệm? Môi trường bị bức tử, sức khỏe người dân bị đe dọa, không ra tay ngăn chặn chỉ vì lý do thiếu cái này, hạn chế cái kia thì rất khó có thể nói là đủ đầy trách nhiệm. Đó là chưa kể, các địa phương vẫn phổ biến tâm lý "trải thảm đỏ", choáng ngợp trước nguồn vốn đầu tư lớn, mà bỏ qua các tác động xã hội. Đã từ lâu chúng ta không thể chấp nhận tình trạng bất chấp hậu quả môi trường trong việc cấp phép đầu tư. Vậy mà điều đó vẫn liên tục xảy ra. Đáng nói nữa là sau vụ Vedan, dư luận lên án mạnh mẽ, nhưng xem ra doanh nghiệp vi phạm chưa sợ. Bởi lẽ việc xử lý rất thiếu tính răn đe.
Khi "cây gậy" pháp luật chưa đủ mạnh, cơ quan quản lý thiếu trách nhiệm, các doanh nghiệp thiếu đạo đức kinh doanh, các dòng sông vẫn còn bị đe dọa, môi trường sẽ luôn là đối tượng bị bức tử!