Lợi ích số hóa truyền hình và tương lai băng rộng di động tại VN
Xe++ - Ngày đăng : 21:32, 15/04/2010
Tại hội thảo, các đại biểu đã nêu rõ, phân bổ kỹ thuật số là một phần của băng tần hiện nay được ngành khai thác truyền hình trên mặt đất sử dụng, sẽ được tạo sẵn khi truyền hình kỹ thuật số thay thế truyền hình analog. Truyền hình kỹ thuật số hiệu quả hơn analog rất nhiều vì cung cấp tiềm năng cho các nhà khai thác truyền hình để đưa ra nhiều dịch vụ hơn nữa và vẫn dùng “phân bổ kỹ thuật số”. Ở đó, băng tần 700 MHz rất quan trọng và được xem như băng tần được sử dụng toàn cầu để giúp thực hiện các dịch vụ băng rộng di động thế hệ kế tiếp một cách hiệu quả về mặt kinh tế cho vùng nông thôn. Đó là vì những tần số này truyền đi xa hơn và làm giảm chi phí phủ sóng vùng nông thôn đến 70%.
Phát biểu tại hội thảo, ông Đoàn Quang Hoan - Cục Trưởng Cục tần số Vô tuyến điện cho biết: dành tần số dôi dư của truyền hình cho di động là việc các nước trong khu vực đang làm. Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam đã chuẩn bị vấn đề này từ nhiều năm trước. Theo đó, từ cuối năm 1990, VTC đã được giao nghiên cứu về số hóa truyền hình. Bộ Thông tin và Truyền thông và Cục tần số Vô tuyến điện đã hỗ trợ cho việc nghiên cứu trên; mở ra chính sách thiết lập các công ty truyền dẫn phát sóng truyền hình thay cho việc các đài tự phát sóng, phát triển truyền hình số…; và hiện nay là phát triển nhanh các dịch vụ băng rộng di động.
Ông Roberto Ercole, Giám đốc Quản lý Băng tần GSMA, phát biểu: “Với sự giúp đỡ của MIC, chúng tôi rất phấn khởi được tổ chức hội nghị tương tác không những với Chính phủ Việt Nam, mà còn với những khu vực kinh tế chính yếu khác và các công ty quan trọng trong ngành di động. Chúng tôi tin có một cơ hội lịch sử cho khu vực Châu Á – Thái Bình Dương để phát triển một vị trí hài hòa trong sử dụng băng tần này, có thể làm giảm đáng kể chi phí các thiết bị băng rộng di động dành cho người tiêu dùng Việt Nam. Điều này cũng đưa ra cơ hội cho Việt Nam giữ một vai trò lãnh đạo trong việc giúp đỡ thực hiện cơ hội lịch sử này”.
Hội thảo đã đề cập đến tất cả những phát triển mới nhất của phân bổ kỹ thuật số tại khắp Châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới, cũng như tầm quan trọng trong phát triển tương lai băng rộng di động tại Việt Nam. Tạp chí Economist tiên đoán số người sử dụng băng rộng trên toàn cầu sẽ vượt qua số người sử dụng băng rộng cố định trong năm nay. Và cũng ước tính rằng trước năm 2013 sẽ có khoảng 1,5 tỉ người sử dụng băng rộng di động trên thế giới, so với 800.000 người sử dụng băng rộng cố định .
Tại các nước đang phát triển, nơi mạng dữ liệu hữu tuyến còn chưa được phát triển đầy đủ, xu hướng sẽ càng nổi bật hơn bởi các thị trường này sẽ cần dựa vào băng rộng di động rất nhiều. Tại những vùng nông thôn, GSMA tin rằng băng rộng di động sẽ là giải pháp chính yếu để cung cấp băng rộng cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, cung cấp băng rộng di động một cách hiệu quả về mặt chi phí yêu cầu phải truy cập các băng tần số hài hòa quốc tế trong băng tần dưới 1GHz. Điều này đưa ra vấn đề quan trọng là làm sao tiếp tục đảm bảo băng tần đó được hòa hợp khắp Châu Á.
Các nhà quản lý tại Châu Á – Thái Bình Dương hiện đang thảo luận phát triển một kế hoạch băng tần để sử dụng băng tần phân bổ kỹ thuật số trong khắp khu vực. Kế hoạch băng tần được phân bổ hài hòa trong toàn bộ khu vực sẽ là một lợi ích to lớn cho người tiêu dùng. Với qui mô thị trường như vậy sẽ giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm giá thành thiết bị một cách đáng kể, cũng như tạo điều kiện việc chuyển vùng quốc tế một cách dễ dàng. Việt Nam có cơ hội để nâng cao vai trò lãnh đạo của mình trong khu vực nhờ ủng hộ mạnh mẽ kế hoạch băng tần khu vực, giúp ngăn ngừa phân khúc công nghiệp và chi phí cao cho người tiêu dùng.