Giá USD hạ: Ai hưởng lợi?
Kinh tế - Ngày đăng : 07:23, 15/04/2010
Mục tiêu tăng trưởng 6,5%: Không quá khó?
Việt Nam tiếp tục vận hành nền kinh tế nhằm vào cả hai mục tiêu: tăng trưởng và kiềm chế lạm phát. Hiện lạm phát đang ở mức không đáng quan ngại. Các nguồn vốn FDI, ODA tiếp tục đầu tư vào nhiều dự án, cùng những nguồn vốn trong nước góp phần tạo ra một sức mạnh tổng hợp thúc đẩy phát triển kinh tế. Vì vậy, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% vào năm 2010 không quá khó.
Điều hành chính sách tiền tệ, một trong những giải pháp cho nền kinh tế tăng trưởng. Ảnh: Linh Tâm |
Để đạt được mục tiêu đó, các ngân hàng thương mại cần liên kết chặt chẽ dưới sự điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tạo thành một hệ thống bền vững. Bởi chỉ cần một sự bất ổn của hệ thống ngân hàng sẽ gây ra ảnh hưởng không nhỏ cho nền kinh tế. Ngoài ra, NHNN cần phải can thiệp mạnh hơn vào thị trường liên ngân hàng để tránh những "cú sốc" về lãi suất. Một trong những giải pháp để tăng trưởng kinh tế là chú trọng cởi bỏ gánh nặng cho doanh nghiệp (DN) bằng cách giảm thuế, kể cả thuế suất thuế thu nhập DN và thuế giá trị gia tăng. Giảm thuế là giải pháp trọng tâm để kích cầu đầu tư cũng như kích cầu tiêu dùng thông qua giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, giảm giá tương xứng, bảo đảm tăng tiêu dùng thực tế của người dân...
Liệu có diễn biến bất ngờ về tỷ giá?
Từ cuối năm 2009 đến nay, tỷ giá của VND so với USD đã được NHNN điều chỉnh 2 lần về biên độ và tỷ giá công bố. Sự điều chỉnh này khiến VND mất giá khoảng 8,86% so với USD, đồng thời chênh lệch tỷ giá giữa thị trường chính thức và tự do (có lúc lên tới hơn 1.000 VND/1 USD) đã được thu hẹp. Ngày 13-4-2010, tỷ giá phổ biến được các ngân hàng thương mại công bố là 19.060 VND/1 USD, trong khi trên thị trường tự do, giá USD cũng ở mức 19.020 VND/1 USD (mua vào) và 19.060 VND/1 USD (bán ra); ngày 14-4, tỷ giá được các ngân hàng công bố là 19.050 VND/USD, trên thị trường tự do, giá USD ở mức 19.010 VND/1 USD (mua vào) và 19.040 VND/1 USD (bán ra). Theo các chuyên gia kinh tế, đây có thể coi là thành công của các cơ quan quản lý khi điều chỉnh tỷ giá theo hướng phản ánh sát quan hệ cung - cầu, làm giảm sự căng thẳng trên thị trường ngoại hối. Trong vài tuần gần đây, đà giảm giá của USD có nguyên nhân từ nguồn cung ngoại tệ đã được cải thiện phần nào. Luồng tiền từ nước ngoài về Việt Nam trong giai đoạn đầu năm 2010 tương đối lớn, giải ngân FDI cao. Theo báo cáo của các địa phương, lượng kiều hối thu hút được cũng khá khả quan. Đó là chưa kể luồng tiền "chảy" vào thị trường chứng khoán, bất động sản hay các kênh khác mà cơ quan quản lý chưa thể đo đếm chính xác.
Một nguồn ngoại tệ khác đến từ hệ thống tín dụng khi nhiều DN chuyển sang vay USD để đối phó với tình trạng vay ngân hàng với lãi suất cao bằng VND (tới 16-20%/năm), nhiều DN đã chuyển sang vay bằng ngoại tệ với lãi suất 6-6,5%/năm. Lượng tiền này không được các DN sử dụng để nhập khẩu, mà bán lại trên thị trường trong nước lấy VND. Và khi nguồn cung USD tăng sẽ góp phần kéo tỷ giá hối đoái xuống. USD tạm thời giảm giá có thể có lợi cho DN, nhưng chúng ta sẽ không đo được luồng ngoại tệ đổ vào nền kinh tế có thể gây ra những diễn biến bất ngờ về tỷ giá trong thời gian tới, trực tiếp ảnh hưởng đến mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô của nước ta trong năm nay. Hơn nữa, ở nước ta, người dân cũng dễ dàng dịch chuyển từ tài sản đánh giá bằng đồng nội tệ, sang tài sản đánh giá bằng ngoại tệ. Quá trình này có diễn ra mạnh hay không phụ thuộc vào niềm tin của người dân đối với thị trường tài chính. Như vậy, việc giữ được lạm phát ở mức thấp hay không sẽ tác động lớn đến tỷ giá. Trong trường hợp lạm phát tăng cao, nhiều khả năng lượng USD bị "găm" trong nền kinh tế cũng gia tăng. Các chuyên gia cũng cho rằng, điều này sẽ hạn chế đến tính hiệu lực của chính sách tiền tệ khi không thể kiểm soát được cung tiền cho nền kinh tế.
Để đạt được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế và kiềm chế lạm phát trong năm nay, các chuyên gia cho rằng, ngoài công cụ tỷ giá, cơ quan quản lý cần phải kết hợp linh hoạt các chính sách tiền tệ khác như lãi suất, cung ứng tiền tệ, chi đầu tư từ ngân sách... Do mỗi công cụ này chỉ giải quyết được một mục tiêu và thường đem lại những hệ quả khó lường, nên đây thực sự là một bài toán không dễ giải của các nhà hoạch định chính sách trong năm 2010.