Đổ gạch, vữa xuống lòng hồ Bảy Mẫu: Đơn thuần là giải pháp kỹ thuật

Đời sống - Ngày đăng : 07:15, 15/04/2010

(HNM) - Thật không thể hiểu được, nạo vét bùn đất để cải tạo hồ Bảy Mẫu, vậy mà người ta lại đổ thêm gạch, vữa phế thải xuống lòng hồ? Đó là thắc mắc của người dân sinh sống ở xung quanh Công viên Thống Nhất với Báo Hànộimới.

Gạch, vữa phế liệu lẫn trong bùn đất dưới lòng hồ Bảy Mẫu.


Công trình cải tạo hồ Bảy Mẫu nằm trong Công viên Thống Nhất thuộc Dự án Thoát nước cải thiện môi trường Hà Nội do Sở Xây dựng làm chủ đầu tư và Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) là đơn vị thi công. Hiện tại, việc kè hồ cơ bản đã hoàn thành, đang trong giai đoạn nạo vét bùn đất dưới đáy hồ. Đúng như nhân dân phản ánh, bất cứ ai có mặt tại công trình đều nhận thấy, bên cạnh những lớp bùn đất màu đen, ở dưới lòng hồ còn có những đống gạch vữa trắng, đỏ lô nhô thấp cao. Có đống gạch vữa đã được san ủi, phủ kín bề mặt lớp bùn đen. Người dân cho rằng, số phế thải xây dựng đó rất có thể do nhà thầu thông đồng với những người chở phế thải đổ trộm vào đây để lấy tiền hoa hồng và biển số xe ô tô mang phế thải đến đổ ở hồ là 29L- 5339...

Ngay sau khi nhận được kiến nghị của nhân dân, phóng viên Báo Hànộimới đã làm việc với đơn vị đang thi công cải tạo hồ Bảy Mẫu và những thắc mắc của nhân dân dần được làm sáng tỏ. Bà Phạm Thị Hồng Ngát, cán bộ quản lý Công ty cổ phần Xây dựng và Vận tải Nga Đức (Công ty Nga - Đức), đơn vị thi công nạo vét lòng hồ Bảy Mẫu giải thích: Để lấy được bùn đất từ giữa lòng hồ, thì phải có đường cho ô tô ra vào. Thế nhưng, lớp bùn đất trong lòng hồ không đủ rắn chắc cho xe trọng tải lớn đi lại, nên phải có nguyên liệu thích ứng là gạch, vữa phế thải, hay còn gọi là "trạt gạch". Bà Phạm Thị Hồng Ngát khẳng định: Trạt này đều là phế liệu "sạch" như gạch vỡ, vữa tường, hoàn toàn không có rác phế thải gây ô nhiễm. Cán bộ của Công ty Nga - Đức thường xuyên kiểm tra chất lượng vật liệu trước khi cho đổ vào hồ. Vừa phải bỏ tiền mua trạt gạch, vừa chi phí ca xe máy vận chuyển đi nơi khác, nên công ty tính toán khá kỹ để có thể tiếp nhận khối lượng trạt đủ phục vụ thi công, chứ không thể đổ bừa bãi.

Ông Đặng Đình Hoàng, cán bộ UDIC, Chỉ huy trưởng công trình cung cấp thêm thông tin: Do thiếu xe chuyên dụng chở bùn đất lỏng đi đổ, đơn vị thi công phải sử dụng phương pháp thay thế như lấy thêm gạch đất khô trộn vào bùn lỏng sao cho việc vận chuyển dễ dàng hơn và hạn chế rơi vãi ra đường phố. Mặc dù biết việc đưa trạt gạch vào công trình sẽ làm tăng khối lượng công việc, nhưng bắt buộc phải làm, vì không còn phương án thi công khả thi hơn. Ông Hoàng cũng cho biết thêm: Trạt gạch là loại vật liệu tốt nhất dùng cho làm đường xuống hồ. Kết thúc thi công đến đâu sẽ "cuốn chiếu" sạch cả bùn đất và trạt gạch đến đó.

Được biết, hiện tại việc nạo vét bùn đất đã được 2/3 khối lượng công trình, theo tính toán của đơn vị thi công, đến tháng 7-2010 sẽ cơ bản hoàn thành nạo vét lòng hồ, bảo đảm công trình hoàn thành đúng tiến độ.

Bài và ảnh: Thùy Ngân