Thực phẩm biến đổi gen: Cần được dán nhãn

Xã hội - Ngày đăng : 06:58, 14/04/2010

(HNM) - Trong một cuộc khảo sát do Trung tâm Kỹ thuật, tiêu chuẩn, đo lường chất lượng 3 (TĐC 3) tiến hành trong tháng 3 và đầu tháng 4-2010 cho thấy, tại thị trường TP Hồ Chí Minh đã xuất hiện một số loại thực phẩm có nguồn gốc từ cây chuyển gen (thực phẩm BĐG). Nhưng liệu loại thực phẩm này mới chỉ "trú chân" tại TP Hồ Chí Minh hay đã lặng lẽ xâm nhập trên diện rộng và chúng có an toàn với người dùng hay không?

Cuộc tranh luận chưa có hồi kết

Theo TĐC 3, trong số 323 mẫu gạo, củ, quả được chọn ngẫu nhiên tại các siêu thị, chợ thì có đến gần 35% (111 mẫu) có dương tính với chất dung môi chỉ thị có chứa thành phần từ cây BĐG. Trong số này xác định được nhiều nhất là sản phẩm từ cây ngô, đậu tương, khoai tây và cà chua. Điều quan trọng với người tiêu dùng là chúng có an toàn khi sử dụng hay không đến nay vẫn có nhiều ý kiến khác nhau.

35% mẫu gạo, củ, quả trên thị trường TP Hồ Chí Minh có nguồn gốc từ cây chuyển đổi gen.  Ảnh: Trần Anh

Theo Trung tâm Tri thức toàn cầu về công nghệ sinh học cây trồng, số người phản đối cho rằng, việc dùng thực phẩm BĐG dễ gây chứng dị ứng, triệu chứng kháng kháng sinh ở người sử dụng... Tuy nhiên, số người đồng ý cho rằng thực phẩm BĐG an toàn cũng đang tăng lên.

Theo Tổ chức Lương thực Ôxtrâylia: Mức độ an toàn của thực phẩm BĐG ít nhất cũng tương đương với các thực phẩm khác, bởi vì quá trình đánh giá an toàn đối với thực phẩm này kỹ lưỡng hơn nhiều. Quá trình đánh giá an toàn thực phẩm bảo đảm rằng thực phẩm chuyển gen mang lại tất cả các lợi ích như thực phẩm thông thường và không có thêm một tác hại nào. Đánh giá gần đây của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), Viện Hàn lâm khoa học các nước thứ 3 cũng đưa ra các khuyến cáo tương tự.

Ở nước ta, thông tin về thực phẩm có nguồn gốc từ cây BĐG xuất hiện trên thị trường với các nhà khoa học là không mới, vì dưới nhiều hình thức khác nhau, chúng đã xuất hiện nhưng nhìn chung chưa được quản lý hay thông báo công khai. Kết quả một cuộc điều tra của Bộ NN&PTNT cho thấy, hầu hết mẫu thức ăn chăn nuôi có mặt trên thị trường được nhập theo con đường chính thức thông qua các công ty liên doanh với nước ngoài đều chứa sản phẩm BĐG (ngô và đậu tương chuyển gen) với một tỷ lệ nào đó. Ba cây trồng được xem là "điểm nóng" gồm: ngô, lúa và cây bông. Ngoài ra, rất có thể một số thực phẩm chế biến từ đậu tương, ngô, cải dầu... trên thị trường cũng có chứa sản phẩm biến đổi gen mà ngoài nhãn mác không hề ghi thông báo "sản phẩm biến đổi gen".

Bao giờ được dán nhãn?

Trong khi cuộc tranh luận về học thuật vẫn bất phân thắng bại, hầu hết các nước đều yêu cầu các nhà sản xuất thực phẩm BĐG phải dán nhãn ở bao bì để người dân biết và quyết định có chọn sản phẩm này hay không.

Chiều 13-4, trao đổi với Hànộimới, PGS-TS Phạm Công Thành, Viện Công nghệ thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết, đến nay nước ta chưa có quy định về có dán nhãn thực phẩm BĐG và những loại hàng hóa liên quan đến cây BĐG như các nước khác...

Được biết, Bộ Y tế hiện đang xây dựng hướng dẫn sử dụng sản phẩm này và đưa vào dự thảo Luật An toàn thực phẩm. Theo lộ trình xây dựng luật của Quốc hội thì dự thảo luật này nhiều khả năng sẽ được biểu quyết thông qua tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 5 tới. Như vậy, việc dán nhãn thực phẩm BĐG ở nước ta nhanh nhất cũng phải là năm 2011. So với nhiều nước, sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nước ta là chậm, nhưng rõ ràng, việc làm này là cần thiết để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.

Thế Dũng