Giao quyền song hành với giám sát

Chính trị - Ngày đăng : 06:50, 14/04/2010

(HNM) - Ngày 13-4, Chủ tịch HĐND TP, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh đã chủ trì hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào dự án Luật Thủ đô.

Theo bản dự thảo mới nhất về Luật Thủ đô do Bộ Tư pháp trình bày, dự thảo lần này đã bổ sung nhiều quy định theo hướng "giao quyền cho Hà Nội nhưng phải giám sát". Cụ thể, HĐND TP được quy định mức thu phí trong khu vực nội đô cao hơn nhưng không quá 3 lần so với mức thu áp dụng chung cho cả nước trong các lĩnh vực môi trường, xây dựng, giao thông. Nhưng chế độ chi và quản lý các khoản thu phải thực hiện theo quy định của pháp luật. Nhằm quản lý đất đai hiệu quả, sẽ chỉ có 1 văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và duy trì ở cấp TP trong tương lai thay vì 2 cấp TP và quận, huyện như hiện nay. Để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước ở Thủ đô, chính quyền Thủ đô được phép thành lập thêm một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP. Biên chế của các cơ quan này sẽ do Bộ Nội vụ cho ý kiến và phải được Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Về quy định Thủ đô được giữ lại tối thiểu 50% các khoản thu phân chia giữa ngân sách TƯ và ngân sách TP, mặc dù nội dung này không được Bộ Tài chính đồng tình nhưng Bộ Tư pháp vẫn bảo lưu quan điểm. Theo ông Lê Thành Long - Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Bộ Tư pháp, tỷ lệ phân chia tối thiểu này bao gồm cả thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) đơn vị hạch toán toàn ngành.

Trên thực tế, hiện nay có 6 DN hạch toán toàn ngành có trụ sở tại Hà Nội nhưng chỉ có 1 đơn vị là Tổng Công ty Viễn thông Quân đội Viettel đang được điều tiết thuế thu nhập DN cho ngân sách Thủ đô, còn 3 ngân hàng thương mại của nhà nước, bưu điện và điện lực thì chưa được điều tiết thuế thu nhập DN cho ngân sách Thủ đô. Do vậy, việc điều tiết cho ngân sách Thủ đô khoản thuế thu nhập của 5 đơn vị hạch toán toàn ngành có trụ sở ở Hà Nội nêu trên và các đơn vị khác trong tương lai là cần thiết và bảo đảm sự công bằng giữa các DN nhà nước. Phần tăng thu ngân sách từ nguồn này chủ yếu để hỗ trợ đầu tư, xây dựng, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho các huyện, thị xã, vùng nông thôn của Thủ đô.

Các đại biểu QH Hà Nội đều cơ bản nhất trí với các điểm mới của Dự thảo Luật Thủ đô. Riêng với đề xuất chỉ duy trì một văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và duy trì ở cấp TP trong tương lai thay vì 2 cấp TP và quận, huyện như hiện nay, còn có ý kiến khác nhau. Bà Nguyễn Thị Tuyến - Phó ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy, đề nghị bỏ quy định này. Theo bà Tuyến, người dân Hà Nội mong muốn việc đăng ký hộ khẩu, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chứng minh nhân dân phải rút ngắn quy trình lại. Nếu trong tương lai, sẽ chỉ còn một văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thì cán bộ sẽ không làm xuể việc, dân sẽ gặp khó khăn nhiều hơn.

Hà Phong