6% và chuyện “chiếc cần câu”
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:48, 14/04/2010
Đáng chú ý, báo cáo của Chính phủ về kết quả giám sát việc thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2 cho thấy nhiều vấn đề đáng lo ngại. Từ năm 2006 đến 2010, tổng kinh phí của ngân sách trung ương và tài trợ của các tổ chức quốc tế đầu tư cho Chương trình 135 là hơn 14 ngàn tỷ đồng, song mới chỉ có một mục tiêu hoàn thành là 100% người dân có nhu cầu được trợ giúp pháp lý. 9 mục tiêu còn lại, có 3 mục tiêu dự kiến sẽ đạt vào cuối năm 2010, còn 6 mục tiêu khó có thể đạt được. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước băn khoăn: Sau 4 năm triển khai, chỉ hơn 6% số xã hoàn thành cơ bản mục tiêu và ra khỏi chương trình. Đây là vấn đề lớn cần nghiêm túc xem xét, đánh giá.
Câu hỏi đặt ra: Nguyên nhân từ đâu?
Trước một chính sách lớn của Chính phủ, nhưng qua nhiều năm hiệu quả mang lại còn chưa như mong đợi thì đã đến lúc chúng ta cần xem xét lại cho thấu đáo, xây dựng các mô hình thực thi tích cực nhất trên cơ sở đánh giá thực trạng nhu cầu và kinh nghiệm cụ thể.
Thực tế, việc đầu tư như hiện nay sẽ khó cho các địa phương. Với một khoản vốn khiêm tốn thì một địa phương vùng núi xa đầu tư làm vài kilômét đường đã khó, có khi chưa làm xong đường đã hỏng, chứ chưa nói là giúp được bà con xóa đói, giảm nghèo. Điều này cũng được Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện của Quốc hội chi sẻ: Mỗi năm ta có thể tập trung vào đầu tư một số xã, nếu không cứ để tình trạng một đoạn đường mà đầu tư 400 triệu đồng mưa một cái nó... trôi đi ngay. Thà rằng không phải đầu tư một lúc 1.848 xã mà năm nay chỉ làm 200 xã thôi...
Đáng chú ý khi nhiều quan điểm cho rằng dường như chương trình đã đặt mục tiêu phấn đấu quá cao, quá nhiều chỉ tiêu cần đạt được. Thực tế Chương trình 135 và các dự án hỗ trợ khác của Chính phủ hay các tổ chức phi Chính phủ cho người dân nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn còn mang nặng tính trợ cấp chứ không phải là sự hỗ trợ có bài bản để người nông dân nghèo thoát nghèo. Điều này khiến người ta nghĩ đến câu chuyện chiếc cần câu và con cá. Một số nơi, khi được cấp giống cây, người dân trồng như trồng hộ người khác chứ không phải cho mình.
Việc chuyển giao công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật hầu như chưa có hoặc chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực sản xuất với phương pháp sản xuất mới. Nhiều nơi, người dân quan niệm chính sách mới chỉ mang tính hỗ trợ lúc khó khăn chứ không phải là sự đầu tư lâu dài để họ thoát nghèo. Chính vì thế, đánh giá chung Chương trình 135 giai đoạn hai, tuy tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm nhanh, nhưng thiếu bền vững, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn lớn. Thực chất, nếu thay vì cho người dân chiếc cần câu, ta vẫn chỉ đưa cho họ con cá. Nếu vẫn theo cách cũ, chắc rằng năm sau con số 6% kia cũng sẽ không cải thiện được là bao...