Lịch sử kiến tạo Hà Nội với khảo cổ học và quy hoạch hiện đại

Xã hội - Ngày đăng : 15:36, 13/04/2010

Từ những nhận xét về địa động lực hiện đại ở khu vực Hà Nội, trong quá trình xây dựng quy hoạch phát triển Thành phố cần phải có những điều tra bổ sung chi tiết về nền móng công trình để tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra.

 Xét về mặt địa chất công trình, thì nền móng của phần lớn lãnh thổ Hà Nội (trừ Sóc Sơn, đa số diện tích huyện Đông Anh, một phần của huyện Từ Liêm) đều thuộc loại đất yếu - Ảnh minh họa


Vùng đất Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội đã được hình thành cùng với lịch sử tiến hoá của vỏ Trái đất của vùng trũng Sông Hồng nói chung, cũng như trũng Hà Nội nói riêng và đã trải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Đó là giai đoạn hình thành móng cấu trúc gồm các loại đá gắn kết rắn chắc có tuổi trước Kainozoi và hiện nay nằm ở độ sâu từ 4000 đến 5000 mét; giai đoạn hình thành lớp phủ các loại trầm tích gắn kết yếu hoặc chưa được gắn kết có tuổi Kainozoi.

Với quy hoạch xây dựng hiện đại

Từ những nhận xét về địa động lực hiện đại ở khu vực Hà Nội, trong quá trình xây dựng quy hoạch phát triển Thành phố cần phải có những điều tra bổ sung chi tiết về nền móng công trình để tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra và trên cơ sở đó đưa ra giải pháp thích hợp để giảm thiểu thiệt hại nếu rủi ro xảy ra.

Bởi vì, xét về mặt địa chất công trình, thì nền móng của phần lớn lãnh thổ Hà Nội (trừ Sóc Sơn, đa số diện tích huyện Đông Anh, một phần của huyện Từ Liêm) đều thuộc loại đất yếu.

Vì vậy trong những năm tới hướng mở rộng các khu đô thị và công nghiệp lớn của Thành phố phù hợp nhất là lên phía Bắc và sang phía Tây, đặc biệt là ở phía Bắc thuộc 2 huyện Sóc Sơn và Đông Anh. Các khu vực này có rất nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi cho quá trình này.

- Nền móng công trình ổn định và bền vững hơn so với các khu vực khác: lớp vật chất bở rời mỏng phủ trên các thành tạo cổ hơn đã được gắn kết. Do vậy khả năng chịu tải của nền móng khá cao. Các công trình có thể là nhà nhiều tầng, đường ngầm (điều kiện nền móng giống như khu vực huyện Củ Chi, Hoóc Môn ở Thành phố Hồ Chí Minh);

- Địa hình có độ dốc nhất định và đều cao trên 10 mét so với mực nước biển, mức độ chia cắt ngang và chia cắt sâu không lớn thuận lợi cho việc xây dựng hệ thống thoát nước khi có mưa lớn (vấn đề luôn được quan tâm từ nhiều năm nay đối với khu vực nội thành), hoặc nước thải công nghiệp và sinh hoạt sau khi đã xử lý; thiết kế được các vành đai thành phố với nhiều lớp trên các độ cao khác nhau (giống như nhiều thành phố ở Nhật Bản, Indonesia, Cộng hòa Liên bang Nga, v.v...); xây dựng hệ thống đường giao thông ít phải làm cầu, v.v...

- Không có các dòng sông lớn chảy qua. Vì vậy không có khả năng xảy ra ngập lũ khi mực nước sông dâng cao vào mùa mưa. Song lại gần Sông Hồng thuận lợi giao thông đường sông cũng như mở mang thêm tuyến du lịch về các di tích lịch sử về văn hóa.

Một góc khu khai quật khảo cổ Hoàng thành Thăng Long.


Về mối liên quan với các di chỉ khảo cổ học

Trên diện tích Hà Nội, các nhà khảo cổ học đã nghiên cứu 12 di chỉ khảo cổ thuộc thời đại đồ đồng và sắt sớm. Các di chỉ khảo cổ này phân bố rải rác ở các Huyện Đông Anh (7), Gia Lâm (2), Thanh Trì (3).

Ngoài ra, trong thời gian gần đây còn có một số nghiên cứu mới về các di chỉ khảo cổ liên quan với Thành cổ Hà Nội.

Mối liên quan giữa các thành tạo địa chất với di chỉ khảo cổ học xem xét ở hai mặt.

Một là, vị trí phân bổ của di chỉ khảo cổ nằm trên thành tạo địa chất nào.

Hai là, chất liệu ban đầu để chế tác các di vật khảo cổ.

1. Về vị trí phân bổ của các di chỉ khảo cổ học

Qua 12 di chỉ khảo cổ học đã được nghiên cứu chi tiết trên địa bàn Hà Nội, chúng tôi thấy có một số điểm đáng lưu ý sau:

- Các di chỉ này nằm ở gần sông lớn hoặc những sông nhỏ hiện nay đang bị đầm lầy hóa.

- Theo cấu tạo các lớp đất của di chỉ cho thấy: 7/12 di chỉ có lớp vô sinh (lớp nằm dưới tầng văn hóa) thuộc trầm tích hệ tầng Vĩnh Phúc (QIII 2 vp), 5/12 di chỉ có lớp vô sinh thuộc trầm tích Holocen.

- Các di chỉ đều thuộc thời đại đồ đồng và sắt sớm. Trong đó, di chỉ có niên đại cổ nhất cách ngày nay 4000 - 3500 năm (thuộc Văn hóa Phùng Nguyên). Như vậy, các di chỉ đều có niên đại muộn hơn biển tiến Holocen giữa (Flandrian).

Từ những điểm nêu trên, bước đầu có thể rút ra một số nhận xét sau:

- Vào đầu Holocen muộn (cách nay khoảng 4000 năm), mực nước biển dần dần rút ta khỏi vùng Hà Nội, đồng bằng được mở rộng về phía Đông Nam. Do diện tích đồng bằng mở rộng mà người Việt cổ trước đó sống ở vùng xung quanh (trung du, rìa đồng bằng ven biển) bắt đầu quá trình chiếm cứ và khai thác đồng bằng.

- Những vùng đất mà con người đặt chân đến đầu tiên và lựa chọn làm nơi cư trú có lẽ là những khu đất cổ cao hơn xung quanh, gần sông ngòi. Các địa điểm này vừa bảo đảm an toàn trước sự đe dọa của thiên tai, địch họa, vừa dễ dàng khai thác các sản vật tự nhiên sẵn có và phát triển các phương thức sản xuất nhằm khai thác đồng bằng. Trên địa bàn Hà Nội có những địa điểm có một đời sống lâu dài hàng ngàn năm như làng cổ Đình Tràng (Đông Anh), Chùa Thông (Thanh Trì). Trong số những nơi cư trú cổ, có lẽ Cổ Loa - mảnh đất gắn liền với truyền thuyết An Dương Vương xây dựng Loa Thành là địa điểm lý tưởng để người xưa lựa chọn xây dựng Kinh đô, vừa để phát triển đất nước, vừa là phòng tuyến chống giặc ngoại xâm.

2. Về các chất liệu chế tác di vật khảo cổ

Trong số di vật sưu tập được ở các di chỉ khảo cổ học trên đất Hà Nội có 2 nhóm di vật có liên quan với các thành tạo địa chất là nhóm đồ đá và nhóm đồ gốm.

- Về nhóm di vật đồ đá

Nhóm di vật này bao gồm công cụ sản xuất (lưỡi rìu, lưỡi đục, mũi khoan, khuôn đúc, hòn kê, bàn mài); vũ khí (mũi tên đá, giáo đá); đồ trang sức và các tác phẩm nghệ thuật (vòng tay, khuyên tai, nhẫn, bàn dập hoa văn). Chất liệu ban đầu của di vật đồ đá khá đa dạng gồm: quarzit, cát kết, bột kết, sét kết, phun trào…

Trên diện tích vùng Hà Nội chủ yếu là đồng bằng lộ rất ít đá gốc có thể dùng để chế tác các di vật đồ đá. Đồng thời, đây cũng là nơi có hệ thống sông bắt nguồn từ vùng núi cao (có nhiều thành tạo địa chất khác nhau) chảy qua, do đó việc xác định nguồn gốc ban đầu của các loại đá được dùng để chế tạo các di vật là cực kỳ khó khăn. ở đây, chỉ có thể nêu một nhận định chung là các di vật đã được chế tạo sẵn hoặc là các mảnh đá (có thể là cuội sông hoặc cuội ở các thềm ven sông) sau đó mới được chế tác. Một bằng chứng của nhận định này đã được các nhà khảo cổ học phát hiện là trong bộ sưu tập bằng đá ở vùng Hà Nội có yếu tố của văn hóa vùng biển, như rìu đá thuộc Văn hóa Phùng Nguyên cũng là những di vật đại diện cho Văn hóa Hạ Long (Trịnh Cao Tưởng, Trịnh Sinh, 1982).

- Về nhóm di vật đồ gốm

Đồ gốm là loại di vật có số lượng rất lớn trong thời đại đồng và sắt sớm ở VHN, chúng có mặt trong tất cả các di chỉ khảo cổ học. Đồ gốm có đồ đựng, đồ đun nấu, dọi se chỉ, chì lưới, chạc gốm, vòng trang sức và tượng tròn. Theo các nhà khảo cổ học, chất liệu làm gốm là đất sét pha cát mịn (bột) lẫn ít bã thực vật. Đối chiếu với các thành tạo địa chất ở vùng Hà Nội thì gốm được làm từ đất sét của hệ tầng Hưng Yên. Loại đất này có diện phân bố phổ biến ở nội thành Hà Nội và các Huyện Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh, Từ Liêm. Hiện nay, chúng được khai thác làm khoan và dung dịch khoan.

Những đặc điểm tự nhiên về vị trí địa lý, địa hình, đất đai, mạng lưới thủy văn, nước ngầm… cho thấy vùng Hà Nội là nơi có nhiều thuận lợi cho sự cư trú của con người và phát triển kinh tế. Sự thực thì cách đây gần 4000 năm, trên mảnh đất Hà Nội đã có dấu ấn của đời sống con người. Và trải dài gần 2000 năm Cổ Loa đã được lựa chọn là Quốc đô của nước Âu Lạc, còn Thành Đại La (Thăng Long) trải qua 1000 năm lại được chọn làm Kinh đô nước Đại Việt.

* Các tiêu đề do Tòa soạn đặt

(Theo Tổng tập Nghìn năm Văn hiến Thăng Long)

Theo VGPNEWS