Nhớ nhà báo, nhà thơ Chu Hà
Văn hóa - Ngày đăng : 07:11, 13/04/2010
(HNM) - Nhà báo, nhà thơ Chu Hà - tên thật là Lã Xuân Choát, một trong hai nhà báo của Thủ đô được Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng Ba, vừa ra đi mãi mãi ở tuổi 97.
Nhà báo Chu Hà sinh năm 1914, quê xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, Nam Định, trong một gia đình Nho học yêu nước. Năm 1931, ở tuổi 18, ông đã làm thông tín viên cho tờ Ngọ Báo ra hằng ngày ở Hà Nội, với bút danh Đài Sơn hoặc Đ.S. Những năm 1931-1934, ông đã có nhiều bài đăng trên các tạp chí Kinh tế, Minh Nông (Nam Định), Tân Thanh, Đông Phương (Hà Nội), Phụ nữ tân văn (Sài Gòn), hô hào đấu tranh nâng cao dân trí, mở rộng dân quyền.
Năm 1936, tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương tại Viêng Chăn (Lào) vừa viết cho Việt Báo, Khuyến học (Hà Nội), Công Luận, Đàn bà mới (Sài Gòn), ông vừa làm thông tín viên và đại lý phát hành sách báo của Đảng, lấy Nhà sách A.J.I (L’ami de la jeunesse intellectuelle) làm nơi gặp gỡ các bạn trí thức trẻ. Ông đặt chi nhánh đại lý báo ở Thakhet, rồi tìm cách đưa báo của Đảng sang cho Kiều bào ở Xiêm (Thái Lan).
Ông còn kín đáo làm nhiều việc: vận động thành lập các ái hữu thợ mộc, thợ nề, thợ may; tổ chức các nhóm đọc báo, nhóm trung kiên làm nòng cốt cho phong trào hưởng ứng Đông Dương Đại hội; viết bài phê phán tư tưởng kỳ thị dân tộc, chủ nghĩa sô vanh…
Đầu năm 1938, ông xuất bản cuốn “Bút xuân Mậu Dần” tại Hà Nội, nhưng sau đó sách bị Toàn quyền Đông Dương cấm lưu hành khắp 5 xứ. Trong thời gian hoạt động tại Lào, ông tổ chức những buổi tuyên truyền, vận động Việt kiều đặt mua dài hạn Báo Tin tức tại các tỉnh Thakhet, Savannakhet, Paksé, được đồng bào hưởng ứng nhiệt liệt.
Trở lại quê nhà, ông tiếp tục hoạt động: bắt mối liên lạc với các cựu chính trị phạm, gây cơ sở mới; cổ động cho người của Mặt trận Dân chủ ra tranh cử dân biểu; tham gia phong trào truyền bá quốc ngữ, cổ động cho chi nhánh Báo Tin tức ở Nam Định, lập các hội tương tế, hiếu hỷ, tổ chức nói chuyện chống phát xít Nhật gây ra vụ Lư Cầu Kiều nhằm xâm lược Trung Hoa.
Thực dân Pháp công khai cấm báo chí của Đảng, khủng bố hàng loạt chiến sỹ cách mạng. Ngày 29-9-1939, ông bị thực dân Pháp bắt, kết án 3 năm tù, đầy đi Sơn La. Ông trở thành cây bút tích cực của tờ Suối Reo do nhà cách mạng Xuân Thủy làm Chủ bút.
Mãn hạn tù, vào cuối năm 1942, ông bắt liên lạc với đoàn thể, hoạt động Việt Minh ở thành phố Nam Định. Ông liên hệ được với linh mục Vũ Xuân Kỷ qua nhóm Cứu quốc bí mật ở xứ An Lộc. Từ đấy, cha xứ có thêm Báo Cứu quốc, Cờ giải phóng và thư của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc bên cạnh kinh thánh. Sau này, linh mục Vũ Xuân Kỷ được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Công giáo yêu Tổ quốc, yêu hòa bình.
Năm 1944, ông bị địch bắt lần thứ hai. Sau đảo chính Nhật, ông thoát khỏi nhà tù Nam Định, lại trở về xây dựng phong trào Việt Minh ở huyện Ý Yên. Sau khi tham gia cướp chính quyền ở Nam Định, ông về lập chính quyền ở huyện Ý Yên, được cử làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời huyện. Đầu năm 1946, ông được bầu đại biểu HĐND tỉnh, rồi làm Phó Trưởng ty Bình dân học vụ, Phó Hội trưởng Hội Hồng thập tự Nam Định.
Kháng chiến chống Pháp, ông lại trở về nghề báo: làm Chủ bút Báo Nam Định kháng chiến, thư ký tòa soạn Báo Công Dân, phụ trách Báo Cứu quốc Thủ đô, biên tập viên Báo Tin tức khi tiếp quản Thủ đô.
Thơ ca của ông viết trong các nhà tù đế quốc phơi phới tinh thần lãng mạn cách mạng. Các bài báo và thơ trào phúng của ông với lòng căm thù sâu sắc đả kích thực dân Pháp, đế quốc Mỹ. Ông còn là tác giả của nhiều bài hát nói trữ tình, là người có công sưu tầm nghiên cứu, biên soạn cuốn “Hát cửa đình Lỗ Khê”.