“Đầu vào” tăng giá, “đầu ra” thế nào ?
Kinh tế - Ngày đăng : 06:35, 12/04/2010
Thép, một trong những mặt hàng tăng giá liên tục trong thời gian qua do giá nguyên liệu tăng. Trong ảnh: Sản xuất thép tại Công ty Gang thép Thái Nguyên. Ảnh: Linh Tâm |
Sức ép tăng giá
Công ty Giấy Sài Gòn cho biết, biến động tỷ giá giữa USD và VND đã làm tăng khoảng 2% giá nguyên liệu nhập khẩu trong thời gian vừa qua. Hiện tại, công ty nhập khẩu khoảng 10% giấy nguyên liệu để sản xuất. Đây là tỷ lệ đã được điều chỉnh sau khi có những biến động về tỷ giá. Thời điểm một, hai năm trước, tỷ lệ này phải ở mức khoảng 30%. Bên cạnh sức ép về tỷ giá, ngành sản xuất giấy với đặc trưng sử dụng nhiều nước, điện nên cũng sẽ chịu tác động mạnh của việc tăng giá của hai mặt hàng này. Giá điện, nước tăng trung bình 7%, giá thành đơn vị sản phẩm giấy cũng sẽ tăng thêm gần 1%. Con số này xét trên từng đơn vị sản phẩm là nhỏ nhưng sẽ làm tăng chi phí sản xuất, đồng nghĩa là tăng giá bán sản phẩm.
Theo Công ty CP Bibica, tổng chi phí sản xuất tại đây đang tăng 5-7% so với trước. Giá mua sữa, hương liệu, phụ gia tại thị trường nước ngoài tăng, cùng với việc tỷ giá biến động đã làm tăng 20% giá nguyên liệu nhập khẩu. Trong khi đó, chi phí điện toàn công ty và nhà máy tăng thêm khoảng 200 triệu đồng mỗi tháng. Ở ngành may mặc, nhiều DN cho biết, từ đầu tháng 3 giá vải do các công ty trong nước cung cấp cũng như vải nhập ngoại đều tăng 10-20%, cộng với các yếu tố khác như điện, nước, lương nhân viên đều tăng đã khiến giá thành sản phẩm tăng 15-25%. Các siêu thị lấy hàng cũng đòi tăng chiết khấu lên 1-1,5% vì các lý do chi phí điện, nước, lương nhân viên tăng.
Như vậy, việc tăng giá bán là điều không thể tránh khỏi dù đã chấp nhận giảm lợi nhuận và tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất. Vấn đề là phải tính toán thời điểm và mức tăng để không gây sốc với người tiêu dùng.
Theo nhận định của các chuyên gia, xu hướng tăng giá của các mặt hàng trong năm nay sẽ không quá tập trung mà dàn trải. Hàng nội hóa và hàng tiêu dùng sẽ tăng trong khoảng quý I và II, trong khi hàng nhập khẩu nhiều khả năng sẽ tăng tính thích ứng bằng cách điều chỉnh theo cơ chế linh hoạt theo tỷ giá ngoại tệ. Vào quý III và đặc biệt quý IV, giá có tăng lần 2 hay không còn phụ thuộc vào tỷ giá ngoại tệ và cán cân cung cầu cho từng nhóm mặt hàng. Dự báo, năm 2010 mặt bằng giá sẽ tăng xấp xỉ 10%.
Phải tính đến cạnh tranh
Từ đầu tháng 3 đến nay, các DN thép đã 2 lần điều chỉnh giá thép với tổng mức tăng khoảng 600 nghìn đồng/tấn. Theo các DN thép, nguyên nhân chính do giá phôi, giá điện, than tăng… thực chất đây chỉ là một phần nguyên nhân, vì hiện nay ngành thép còn phụ thuộc phần lớn vào thị trường thế giới. Mặc dù phôi sản xuất trong nước chiếm 60% tổng lượng cho sản xuất thép (còn lại 40% phôi phải nhập khẩu), nhưng nguyên liệu cho sản xuất phôi là thép phế liệu vẫn phải nhập tới 70%. Trong khi đó, giá thép phế liệu, phôi thép trên thị trường thế giới trong những tháng qua vẫn có xu hướng tăng. Từ đầu tháng 3 đến nay, giá phôi đã tăng thêm 15-20 USD/tấn, ở mức 530-535 USD/tấn và thép phế liệu ở mức từ 400-450 USD/tấn. Cùng với giá nguyên liệu "đầu vào" trên thị trường thế giới tăng mạnh thì ở trong nước, giá than, giá điện, chi phí vận chuyển cũng đã đồng loạt tăng kể từ đầu tháng đến nay nên việc tăng giá bán sản phẩm là điều khó tránh khỏi.
Hiện giá bán thép xây dựng giao tại nhà máy, chưa trừ chiết khấu và chưa có thuế giá trị gia tăng phổ biến ở mức 12-12,8 triệu đồng/tấn, tùy từng khu vực, thương hiệu và phương thức thanh toán. Bộ Công thương cho biết, theo lộ trình cam kết với WTO, thời gian tới, một số sản phẩm thép sẽ không được hưởng ưu đãi và bảo hộ cao về thuế nhập khẩu, tính cạnh tranh với sản phẩm thép nhập khẩu sẽ ngày càng trở nên khốc liệt hơn. Vì vậy, để nâng cao năng lực cạnh tranh với thép ngoại, các DN sản xuất thép không còn con đường nào khác là đầu tư đổi mới công nghệ ít tiêu hao năng lượng, công suất lớn, ổn định sản xuất, củng cố hệ thống phân phối, mở rộng thị trường tiêu thụ, điều chỉnh giá bán linh hoạt hơn.