Cần quản lý bằng pháp luật

Sức khỏe - Ngày đăng : 06:22, 12/04/2010

(HNM) - Cả nước hiện có hơn 500 doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng (TPCN). Đây được coi là lãnh địa mới, đầy rẫy những thông tin mù mờ. Trong dự thảo Luật An toàn thực phẩm mới nhất sẽ được trình Quốc hội thông qua vào tháng 5 tới, nhiều ý kiến cho rằng luật chưa có những quy định mang tính đột phá để siết chặt loại hình kinh doanh này.

Người dân cần thận trọng với các loại thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc.


Tin theo quảng cáo

34 tuổi, chị Nguyễn Thu Thủy ở phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình được các thành viên của trang web trẻ thơ (Diễn đàn trẻ thơ) chào mời mua bộ sản phẩm Shiseido colagen, chiết xuất từ động vật cá da trơn với tác dụng giúp da đẹp, mịn màng như da em bé ngay sau 2 tháng sử dụng với giá 600.000 nghìn đồng/hộp 126 viên. Theo quảng cáo đây là thực phẩm chức năng, có xuất xứ từ Nhật Bản, để duy trì tác dụng lâu dài phải uống thường xuyên, mỗi tháng 1 hộp. Chẳng biết hiệu quả của loại sản phẩm này tới đâu, nhưng chị Thủy kể, các mẹ là thành viên của Diễn đàn trẻ thơ hô hào nhau mua để nhanh chóng "re 20" - trở về tuổi 20 - như quảng cáo nhiều lắm. Bản thân chị Thủy cũng đã đặt hàng qua trang web cho mình và em gái uống hai hộp và mới thấy… ngủ ngon hơn. Lần theo số điện thoại được giới thiệu trên trang web, phóng viên Hànộimới được tiếp cận với mẫu Shiseido colagen được quảng cáo "bán chạy số 1 của Nhật" đang bán phổ biến trên mạng này.

Cảm nhận đầu tiên là đây không phải hàng được nhập khẩu chính thức vì không có tem của nhà phân phối, không có hướng dẫn tiếng Việt. Mang sản phẩm này đến các đại lý chính thức của mỹ phẩm Shiseido trên địa bàn Hà Nội đều nhận được cái lắc đầu của nhân viên nơi đây. Theo họ, Công ty TNHH Thương mại xây dựng Thủy Lộc, đơn vị cung cấp các sản phẩm của Shiseido, mới chỉ bán miếng mặt nạ chứa colagen và khẳng định chưa biết tới sản phẩm Shiseido colagen này. Như vậy, chẳng thể biết hiệu quả của sản phẩm này thực chất tới đâu, có phải là hàng chính hãng hay không. Đây cũng chỉ là một ví dụ nhỏ về sản phẩm TPCN và phong trào sử dụng TPCN đang ngày càng lan rộng trong cộng đồng người tiêu dùng cả nước.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, TPCN mới nở rộ ở nước ta vài năm trở lại đây và đang phát triển rất mạnh mẽ. Hiện thị trường đã có hơn 500 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh với hơn 1.500 sản phẩm đang lưu hành.

Chưa quản chặt khâu phân phối
Trong khi đó, ở nước ta, TPCN chưa được quản chặt, kể cả khâu sản xuất, nhập khẩu, phân phối. Trên thị trường, nhiều loại sản phẩm được quảng cáo là TPCN nhưng chủ yếu lại được bán qua kênh chính thức là các hiệu thuốc. Một số loại vitamin bán theo đơn thuốc cũng được xếp vào hạng TPCN và bán công khai ở siêu thị khiến không ít chị em không thể phân biệt. Ngoài ra còn có không ít thượng đế nghe quảng cáo đã mua hàng có tác dụng chống ôxy hóa, kéo dài tuổi thọ… qua nguồn của tiếp viên hàng không, phi công, hàng ăn cắp… với giá rẻ hơn nhưng chất lượng thì… hậu xét. Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Bộ Y tế khuyến cáo, hiện tượng một số nhà phân phối TPCN quảng cáo quá tác dụng, thậm chí quảng cáo "mập mờ", "nước đôi" đang làm cho công tác quản lý chung trở nên phức tạp, không ít người tiêu dùng vỡ mộng sau thời gian sử dụng. Việc các thượng đế chưa hiểu rõ về TPCN, hay do quá tin hoặc lạm dụng khi xem TPCN như thần dược chữa bệnh là sai lầm; TPCN cũng như bất kỳ sản phẩm nào cần phải dùng đúng chỉ định và theo khuyến cáo mới mang lại tác dụng.

Theo Luật gia Bùi Ngọc Thanh, mục đích cuối cùng của Luật An toàn thực phẩm mà Bộ Y tế đang gây dựng là bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng Việt Nam (với 86 triệu dân). Theo đó, giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm không chỉ là chú trọng những thức ăn trên mâm cơm mỗi gia đình mà cần quan tâm đến cả thức uống với sự tham gia chặt chẽ của cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp. Hiện Dự luật An toàn thực phẩm đang thiếu cơ sở xác định tính đúng đắn của thông tin trên nhãn sản phẩm TPCN như tác dụng, khuyến cáo, liều sử dụng, đối tượng sử dụng, chế tài xử phạt mờ nhạt.

Ban soạn thảo cần ngồi lại để lấp lỗ hổng này, trong đó cần chú trọng đặc biệt đến các vấn đề: giảm bớt sự trở ngại trong kinh doanh; tạo khả năng phân phối rộng rãi thức ăn, TPCN an toàn tới thượng đế vì đây là nhu cầu có thực; phân định rõ sản phẩm nào là thuốc, sản phẩm nào là TPCN, sản phẩm nào có tác dụng thật sự với sức khỏe trên cơ sở bằng chứng khoa học rõ ràng; có nội dung giáo dục, tuyên truyền về pháp luật và kiến thức an toàn thực phẩm. Song song với việc xây dựng luật, Bộ Y tế cần khảo sát thực tế giá của TPCN qua việc bán hàng đa cấp. Trên cơ sở đó, đề xuất cơ sở pháp lý để TPCN được bán với giá hợp lý. Với các trang web có nội dung quảng cáo chưa được xác thực, cần mạnh dạn đề xuất phương án loại trừ. Đây cũng là ý kiến của bà Nguyễn Thị Thu Hà - đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai.

Hà Phong