Đào tạo và kế thừa

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:11, 12/04/2010

(HNM) - Qua Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng mới đây, chúng ta nhận thấy sự đổi mới trong cách nhìn, đánh giá và định hướng đại cục của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong giai đoạn mới.

Những gì cho giai đoạn mới của 10 năm kế tiếp với mục đích quan trọng của Nhà nước ta phải đạt được cho nhân dân, đất nước trên 3 mặt trận chủ đạo của Việt Nam, đó là: An ninh chính trị phải ổn định; Kinh tế - xã hội phải duy trì ở mức tăng trưởng cao đạt mặt bằng khu vực và thế giới; Văn hóa, giáo dục và nhận thức của các tầng lớp nhân dân phải được nâng cao, tạo đà đưa dân trí lên ngang tầm các nước phát triển. Mục tiêu, nhiệm vụ này thật nặng nề cho chính quyền từ trung ương đến địa phương. Để thực hiện những mục tiêu đặt ra buộc những con người trong bộ máy nhà nước phải thật sự dân chủ và có hành động, tầm nhìn đột phá, lấy lợi ích của nhân dân là tối thượng.

Vậy làm thế nào để có thế hệ kế cận có năng lực và tầm nhìn đột phá? Sẽ có nhiều biện pháp lớn được đưa ra, bài viết này chỉ xin nói về một khía cạnh nhỏ của vấn đề giáo dục đào tạo - vấn đề cực kỳ quan trọng của sự phát triển đất nước trong tương lai.

Từ khi cánh cửa cơ chế kinh tế tập trung quan liêu bao cấp bị đóng lại và thời kỳ mới - thời kỳ mở cửa hội nhập - với những tiêu chí kinh tế - xã hội mới được thay thế, nhiều đoàn cán bộ từ trung ương đến địa phương đã được đi tham quan, hội thảo và học tập kinh nghiệm của các nước trên thế giới để áp dụng vào thực tiễn Việt Nam. Bên cạnh đó có rất nhiều du học sinh do Nhà nước cử đi đào tạo và du học tự túc tại các nước phát triển. Tuy nhiên, kết quả đến nay cũng chỉ là phần ngọn để tạm ứng phó với nền kinh tế phát triển nhanh, nóng. Về cơ bản, có thể mạnh dạn nói rằng, kết quả học tập vừa qua vẫn chưa đủ khả năng song hành với các chuyên gia, kỹ sư, nhà quản lý kinh tế của các tập đoàn đa quốc gia, các công ty nước ngoài vào đầu tư tại Việt Nam, chưa đủ tài năng và bản lĩnh để xử lý những vấn đề kinh tế trong bối cảnh chiến lược kinh tế toàn cầu. Câu hỏi đặt ra rằng: Chúng ta đang thiếu cái gì trong đào tạo nhân tài? Cái quan trọng nhất chúng ta thiếu là: Đào tạo và kế thừa. Chúng ta đang vướng trong xử lý mâu thuẫn giữa đào tạo và kế thừa: đào tạo ở nước ngoài học được cái hiện đại nhưng không kế thừa được cái truyền thống và được rèn luyện trong môi trường khắc nghiệt của Việt Nam.

Theo thiển nghĩ của người viết bài này, hằng năm Nhà nước nên tổ chức những khóa học tài năng có thời gian đào tạo từ 5 đến 10 năm. Ban đầu học, các học sinh học ở trong nước để tạo nền móng truyền thống, sau đó đưa đi học tiếp ở các nước phát triển, tiếp đó được đưa đến những nơi khó khăn nhất của đất nước để trau dồi thực tế, trải nghiệm và thích ứng với mọi khó khăn nhằm kiểm chứng sức chịu đựng, khả năng sáng tạo và tầm nhìn vượt trội để giao trọng trách. Xin lưu ý rằng các lớp học như vậy không giống như các lớp cử nhân tài năng đang tồn tại tại các trường đại học hiện nay.

Giải pháp để làm được việc này không quá khó với một đất nước luôn luôn cầu thị và khao khát dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng như Việt Nam chúng ta. Trước hết, cơ chế tuyển sinh là không phân biệt học sinh đó là con ai, cháu ai, sinh ra và ở vùng, miền nào trên lãnh thổ Việt Nam hoặc nước ngoài. Điều tiên quyết là họ phải mang quốc tịch Việt Nam và trung thành với Tổ quốc Việt Nam, coi trọng lợi ích của nhân dân. Thứ hai, các học sinh đó phải tốt nghiệp lớp 11 hoặc 12 đáp ứng đầy đủ tố chất vượt trội về học lực và tư duy, qua đó sàng lọc và lựa chọn với hình thức cạnh tranh công bằng trên giảng đường và thực tế. Thứ ba, Nhà nước thực hiện cơ chế "Nhà nước và nhân dân cùng làm", xã hội hóa kinh phí đào tạo bằng việc kêu gọi tài trợ của các doanh nghiệp. Thứ tư, để kích thích tiềm năng và tố chất của các học sinh trong quá trình theo học, Nhà nước cần có chính sách cụ thể, lâu dài để các học viên sau này được trọng dụng.

Với việc tổ chức được những lớp học như vậy, chúng ta sẽ vượt qua được tư duy đào tạo kiểu "con ông, cháu cha" và phân biệt vùng miền đang tồn tại ở không ít nơi. Từ đó, chúng ta mới hy vọng đào tạo được đội ngũ cán bộ vừa được trang bị phẩm chất và năng lực hiện đại nhưng có tính kế thừa để đủ sức thay thế thế hệ đi trước, chèo lái con thuyền đất nước trong tương lai không xa.

Nguyễn Hoài Bắc