Navibank Saigon: Phía trước là ngõ cụt
Xã hội - Ngày đăng : 05:08, 11/04/2010
Navibank Saigon yếu toàn diện, từ chất lượng, lực lượng cầu thủ (nội và ngoại) đến lối chơi. Khả năng chuyên môn có hạn, ngoài thể lực và tinh thần thi đấu, kỹ chiến thuật của đội bóng này thuộc loại yếu nhất V-League. Mùa giải V-League 2009, đội bóng QK4 (tiền thân của Navibank Saigon) luôn lấy tinh thần bù khả năng, lấy lối đá dùng sức và lối chơi thô bạo làm kim chỉ nam, đã giành được suất trụ hạng ở những phút cuối cùng của giải. Tuy nhiên không mấy người tin tưởng vào tương lai tươi sáng của đội khi CLB QK4 được bàn giao cho Navibank Saigon. Ở đội bóng mới, dù được thỏa mãn về tài chính nhưng do mặt bằng chuyên môn quá thấp, đội bóng từng được coi là "hiện tượng" của mùa bóng 2009 nhanh chóng thể hiện sức mạnh thật. Ban đầu họ muốn làm đẹp lòng khán giả TP Hồ Chí Minh, những người vốn tôn thờ lối đá đẹp của đứa con cưng Cảng Sài Gòn, bằng cách quyết định chơi thứ bóng đá đẹp vốn xa lạ với họ. Họ nghĩ rằng chỉ với cách đó, khán giả TP Hồ Chí Minh mới ủng hộ và đến chật SVĐ Thống Nhất. Người TP Hồ Chí Minh chờ đợi "dự án" ấy được thực hiện nhưng họ sớm thất vọng bởi muốn chơi đẹp như CSG, các cầu thủ Navibank Saigon phải có kỹ thuật tốt.
Quân khu 4 (phải) giờ là Navibank Saigon chuyên môn còn nhiều hạn chế. |
Đánh mất sở trường, các cầu thủ Navibank Saigon bị đối phương chiến thắng dễ dàng. Cực chẳng đã họ phải quay về với lối đá "chém đinh, chặt sắt" để hạn chế thua nhưng mùa này các đội đã không còn bất ngờ như mùa trước, có cách trị lối đá rắn. Tinh thần cao, thi đấu quyết liệt trên mức cho phép cũng không hạn chế được yếu kém chuyên môn, thế là Navibank Saigon rơi vào ngõ cụt chiến thuật. Đa số các đội thi đấu với Navibank Saigon đều có lối chơi phối hợp, biến hóa, ít chạm bóng, biết dùng các nhóm 2 người, 3 người để "đánh" các cá nhân Navibank Saigon thường đứng xa nhau và ít được hỗ trợ. Navibank Saigon rơi ngay vào thế chống đỡ, chống đỡ một cách tuyệt vọng bằng mọi cách.
Cái khó bó cái khôn
Các con số nói lên tình trạng khó khăn của đội: thi đấu 7 trận, ghi được 6 bàn thắng (tỉ lệ 0,8 bàn/trận) trong khi để thủng lưới 11 bàn (tỷ lệ 0,6 bàn/trận), số thẻ vàng thuộc loại cao nhất giải. Phải dựa vào việc phạm lỗi để ngăn cản đối phương, Navibank Saigon không chỉ thể hiện sự bế tắc về chuyên môn mà còn luôn không có đội hình mạnh nhất mỗi khi xuất trận do cầu thủ phải nhận thẻ phạt. Đủ đội hình còn khó huống chi vào sân với đội hình "què quặt", đội bóng TP Hồ Chí Minh rơi vào cái vòng luẩn quẩn không sao giải quyết dứt điểm được.
Mùa trước, HLV Vũ Quang Bảo luôn cắm 2 cầu thủ ngoại trên tuyến tiền đạo, các cầu thủ tuyến tiền vệ, hậu vệ có nhiệm vụ "bơm" cho họ những đường bóng dài để họ dùng sức tranh đua với các hậu vệ đối phương và ghi bàn. Thế nhưng ngay từ lượt về món vũ khí này cũng hết tác dụng vì đối phương giải mã được và có kế hoạch chia cắt, cản phá hữu hiệu. Mùa này, con "át chủ bài" trên tuyến tiền đạo là Lazaro đã sang đội XM Hải Phòng, vũ khí "cắm và bơm" của Navibank Saigon càng ít tác dụng và đó là nguyên nhân họ chỉ ghi được 6 bàn sau 7 trận. Nhìn và "soi" kỹ vào đội hình "xịn" của họ vẫn không thấy một cầu thủ nào đáng để đối phương mất ăn mất ngủ. Với đội ngũ như vậy, HLV Vũ Quang Bảo dù tài đến mấy cũng đành chịu. Đã có dấu hiệu các cầu thủ Navibank buông xuôi khi bị dồn ép quá mức và bị ghi bàn.
Cách "ngắt ngọn" của Navibank Saigon đã không thành công như Thanh Hóa, Ninh Bình. Vấn đề là cầu thủ của 2 đội bóng này phát huy được sở trường trong khi đội kia chỉ phát huy được sở đoản chuyên môn. Như thế, thất bại là chuyện không lạ.