Có nên phục hồi nghệ thuật Bài chòi ở miền Bắc?
Văn hóa - Ngày đăng : 04:53, 11/04/2010
Các quân bài trong hát Bài chòi. |
- Thưa GS, từ một trò chơi dân gian đặc sắc của miền Trung, chủ yếu từ Quảng Bình đến Bình Thuận, Bài chòi đã phát triển các yếu tố diễn xướng theo sáng tạo của nghệ nhân dân gian để trở thành kịch hát Bài chòi trên đất miền Bắc những năm 50 của thế kỷ trước. Nhưng trong thời kỳ đổi mới, kịch hát Bài chòi đã bị mai một khá nhiều. Ông có thể cho biết lý do tại sao ông có ý tưởng và xúc tiến phát triển dự án như thế nào?
- Hiện nay, chúng ta có ba đoàn kịch hát Bài chòi của các tỉnh Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Nam cùng hàng chục đoàn ca kịch Bài chòi bán chuyên nghiệp ở các tỉnh. Lực lượng Bài chòi hiện nay vẫn còn mạnh nếu không muốn nói mạnh hơn trước năm 1954. Tôi phải nhắc lại rằng, kịch hát Bài chòi phát triển và chính thức trở thành kịch chủng sân khấu là ở miền Bắc với thành công khi đạt Huy chương vàng vở Thoại Khanh - Châu Tuấn tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp năm 1957. Hai mươi năm tồn tại và phát triển ở miền Bắc, nhiều người đã yêu thích loại hình này vì nó quá hay. Bài chòi có nét gần như Cải lương, cũng ngân nga trữ tình nhưng không ủy mị, lành mạnh tươi mát vì gắn được các làn điệu dân ca vào. Hai năm vừa qua, khi tiến hành dự án sân khấu học đường, chúng tôi đã đưa Bài chòi vào và đạt kết quả tốt ở Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Nam… Như vậy, hiện nay các hình thức Bài chòi nhiều hơn ngày xưa. Nhưng khán giả yêu Bài chòi phía Bắc suốt ba mươi năm qua không được xem mặc dù kịch hát Bài chòi hình thành và phát triển lên chuyên nghiệp ở Hà Nội.
Bên cạnh đó, các nghệ sĩ gốc Bắc từng học và biểu diễn Bài chòi được đưa vào Thuận Hải sau khi đất nước thống nhất nhưng sau đó, họ lại quay trở ra. Trong số đó có nhiều giọng hát rất hay như nghệ sĩ Điệp Nữ, Văn Hồng, Văn Mùi, Quỳnh Em… Đã 30 năm nay, họ ước mơ được phục hồi nghệ thuật, được phục vụ bà con miền Bắc. Chúng ta không thể để các nghệ nhân này mang vốn liếng về tiên tổ mà không truyền lại được cho thế hệ trẻ.
- Theo GS, các ông đã gặp khó khăn gì khi xây dựng dự án?
- Cái khó lại là cách hiểu khác nhau và thậm chí còn châm chọc. Họ quên mất là nửa Đoàn Ca kịch của Phú Khánh hiện thời là người Bắc và khi người nghệ sĩ tập luyện, việc đổi giọng là điều không khó khăn gì. Hay ý kiến cho rằng, người Bắc sao lại thích nghe Bài chòi được. Nói như anh Hồ Thanh Hải, tại sao cải lương ra đời ở tận cùng Nam bộ mà giờ lại phát triển ở miền Bắc. Nghệ thuật từ cái nôi của mình lan tỏa đi như cồng chiêng chẳng hạn, tuy có điểm là Gia Lai nhưng khắp Tây Nguyên đều có cồng chiêng… Đất nước thống nhất rồi, không nên tách bạch, khu biệt vùng, miền…
- Lộ trình để phục hồi Bài chòi trên đất Bắc như thế nào và mục đích cuối cùng của dự án?
- Trong tình hình Bài chòi và tình hình tài chính hiện nay, nói tới thành lập một đoàn ca kịch lớn như Ca kịch Bài chòi Liên khu V là không làm nổi. Chúng tôi chỉ khai thác vốn của những nghệ sĩ từng biểu diễn Bài chòi nay sống trên đất Bắc để phục hồi các tác phẩm cũ và lưu giữ. Khi đã phục hồi rồi thì lấy đó nhân ra cho một phong trào, đào tạo và biểu diễn theo kiểu dân gian. Có thể diễn ở sân đình. Khó cũng phải làm vì càng lùi thì người nghệ sĩ càng già…
- Nghe ông trình bày thì mục đích của dự án là phục hồi một phần sinh khí thời thịnh vượng của Bài chòi, song tiến trình dự án lại hướng tới cách làm dân gian. Phải chăng chúng ta đang đi ngược lại xu hướng chuyên nghiệp hóa của thời đại?
- Nghệ thuật Bài chòi đang trong xu hướng phát triển ở các đoàn chuyên nghiệp và hình thức dân gian cũng có nhiều nơi tổ chức. Không nên nói nghiệp dư hóa Bài chòi mà nghệ thuật là cứ để anh chuyên nghiệp thì cứ chuyên nghiệp còn dân gian thì cứ để nó tồn tại. Chính nghệ thuật dân gian là cái nền, nuôi cho chuyên nghiệp phát triển bền vững…
- Vậy dự án hướng đến xây dựng một nền tảng sinh hoạt dân gian Bài chòi ở miền Bắc? Ông có nghĩ, trong bối cảnh nhiều đoàn chuyên nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí phải giải thể thì việc phát triển một hình thức biểu diễn mới có thể sống được trong bối cảnh xã hội hóa hiện nay?
- Đã có những dấu hiệu đáng mừng, có chuyển biến từ nhận thức của các doanh nghiệp cũng như lãnh đạo cao cấp với văn hóa dân gian. Họ đã hướng về văn hóa dân tộc ngày một tích cực hơn. Khi họ yêu thích, các doanh nhân sẵn sàng bỏ tiền ra để tổ chức. Nhà nước và nhân dân sẽ cùng nuôi dưỡng, Bài chòi sẽ không chết.
- Cám ơn GS về cuộc trò chuyện!