Khi sân khấu chỉ là bước đệm thì...
Văn hóa - Ngày đăng : 04:48, 11/04/2010
Đầu quân về Nhà hát Tuổi trẻ và gây được chú ý với vai diễn trong bộ phim "Người không cầu may", tên tuổi đang lên thì cô rẽ sang học nghề tiếp viên hàng không.
Đồng môn với Mai Huê là Kim Oanh và Cát Trần Tùng đều đã rời nhà hát này. Kim Oanh trở thành biên tập viên chương trình sân khấu của Ban Văn nghệ - VTV, dù thi thoảng vẫn tham gia các vở diễn của đạo diễn Anh Tú. Cát Trần Tùng ra nước ngoài... Thu Hường và Việt Chung đi làm báo. 12 người tốt nghiệp khóa diễn viên chính quy ĐH Sân khấu và Điện ảnh ngày ấy giờ chẳng còn ai trụ lại với sàn diễn. Nhà hát Tuổi trẻ hoạt động hiệu quả hơn cả so với các nhà hát trên địa bàn Thủ đô, vậy mà diễn viên còn bỏ nhà hát, nói gì tới các đơn vị khác mỗi năm chỉ đỏ đèn thưa thớt. Với những người biên chế, đồng lương dù thấp và tiền bồi dưỡng chưa đến 100.000 đồng cho diễn viên chính vẫn còn hơn người mới vào nghề, không biên chế và chỉ làm chân "chạy cờ" thì sống thế nào?
Diễn viên chính kịch sống được bằng nghề cũng chỉ có thể kể được một vài người: Trung Hiếu, Kiều Thanh... Nhưng thù lao của họ chủ yếu từ việc làm phim truyền hình, chứ nhà hát mỗi năm chỉ dựng một đến hai vở và mỗi vở chỉ sáng đèn dăm ba buổi thì thu nhập diễn viên bõ bèn gì. Diễn viên hài có vẻ sống khỏe hơn, tất nhiên là những người có tên tuổi. Những Xuân Bắc, Công Lý, Vân Dung... vẫn tham gia vở diễn của các nhà hát, nhưng chắc hẳn phần lớn thu nhập của họ đều từ việc chạy sô diễn hài.
Khi các diễn viên trẻ không mặn mà với sân khấu thì các diễn viên tài năng đã ở tuổi xế chiều. Và thế là, sân khấu vốn đã vắng khán giả lại càng vắng hơn vì vắng diễn viên ngôi sao. Không ít diễn viên bộc bạch, sân khấu chỉ là bước đệm để họ kiếm tìm nghề mới. Khi kịch nói, loại hình được coi là ngôi đền của nghệ thuật mà chỉ là chỗ đệm thì...