Sai lầm lặp lại

Kinh tế - Ngày đăng : 04:44, 11/04/2010

1. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, hiện khoảng 80% doanh nghiệp may mặc đã có đơn hàng xuất khẩu đến quý III, quý IV. Nhiều đơn hàng xuất khẩu cho quý II đã có mức giá tăng 10%, một số ít tăng đến 15%, so với năm ngoái.

Thậm chí, quan sát một cách thận trọng, nhiều doanh nghiệp đã từ chối ký hợp đồng xuất khẩu do sợ không đáp ứng kịp đơn hàng. Dự báo, chỉ tiêu 10,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, tăng 15% so với năm 2009, hoàn toàn khả thi.

2. Trên thị trường may mặc nội địa, nếu để ý hầu như ít ai thấy giới trẻ - chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu dân số, đồng thời là đối tượng tiêu dùng mạnh tay nhất - sử dụng hàng nội địa. Lý do rất đơn giản là các doanh nghiệp dệt may gần như không có sản phẩm hướng đến đối tượng này. Trong khi đó, lớp trung niên khi mua hàng cũng có rất ít lựa chọn. Hàng nội địa có chất lượng, mẫu mã đẹp thì lại không phong phú. Đồng thời, một nhược điểm cố hữu chưa được nhiều doanh nghiệp khắc phục là hình thể người Việt vốn thấp nhỏ song hầu hết sản phẩm nội địa được may theo tiêu chuẩn... xuất khẩu. Vì vậy, nếu người Việt mặc thì vừa cổ lại không... vừa thân... Đến nay, hình như mới chỉ có một thương hiệu để ý chuyện này (thời trang Owen).

Tại nhiều cửa hàng thời trang lớn, từ sau Tết đến nay chỉ có được vài mẫu mới. Kết quả doanh thu công bố của Công ty CP Giày da và May mặc xuất khẩu Legamex - tham gia thị trường nội địa từ trước năm 1995, cho thấy, mỗi năm chỉ tăng vài phần trăm, khá thấp so với tốc độ phát triển của thị trường may mặc nội địa. Bên cạnh đó, các thương hiệu chủ lực của Tập đoàn Dệt May Việt Nam như Việt Tiến, Nhà Bè, May 10... dù đã cho ra một số thương hiệu nội địa nhưng hầu như "chìm nghỉm". Ngay các siêu thị lớn của tập đoàn cũng rất mờ nhạt trên thị trường.

3. Trong một thời gian dài, xuất khẩu được coi là ưu tiên, đồng thời là chiến lược phát triển của các doanh nghiệp trong nước nói chung, doanh nghiệp dệt may nói riêng. Điều này đồng nghĩa với việc thị trường nội địa bị bỏ ngỏ và trở thành điểm đến đắc địa của hàng Trung Quốc, Thái Lan... Trong khi đó, Việt Nam có một đội ngũ tiêu dùng đông đảo, yêu cầu không phải quá khắt khe... Sau khi khủng hoảng kinh tế bùng nổ, hàng loạt doanh nghiệp đã nhận ra "sân nhà" mới là mảnh đất tiềm năng và đã rục rịch quay trở lại. Sách lược đó đã được Nhà nước ủng hộ, tiếp sức thông qua một chủ trương lớn - "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Nhưng giờ đây, khi khả năng xuất khẩu có nhiều hứa hẹn, các công ty lại dồn sức cho xuất khẩu mà bỏ lơ "sân nhà".

Sai lầm cũ của các doanh nghiệp đang lặp lại. Không hiểu khi "nhận thức lại" hoặc có sự cố, muốn quay về, con đường của doanh nghiệp có còn thuận lợi như thời gian vừa rồi hay không?

Tiên Thêm Sắc