Chiếc iphone và... cái tăm
Kinh tế - Ngày đăng : 04:35, 11/04/2010
"Kết tội" những nguyên nhân nhập siêu, một quan chức cho biết chính các thiết bị viễn thông 3G, trong đó chiếc điện thoại iphone là thủ phạm chủ yếu với đóng góp khoảng 1 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu chi cả 1 tỷ USD mua cái iphone thì các mạng di động bán cho ai? Nhưng có lẽ chưa cần bàn đến chuyện cách lập luận này đúng hay sai...
Iphone đại diện cho nhóm hàng xa xỉ trong kim ngạch nhập khẩu. Ngoài iphone, có thể kể đến hàng loạt "kẻ phạm tội" khác như ô tô, xe máy, các mặt hàng điện tử, máy tính... Vấn đề ở chỗ chúng ta còn nhập khẩu những gì?
Nhập siêu quý I lên tới 3,5 tỷ USD, bằng 25,6% kim ngạch xuất khẩu, trong đó các mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất như bông, vải sợi, phôi thép... có mức tăng cao. Chẳng hạn, chúng ta nhập khẩu 422 triệu USD các sản phẩm hóa chất, tăng 52,9%; giấy các loại 213 nghìn tấn, tăng 12,7%; bông các loại 92 nghìn tấn, tăng 162,9%; sợi các loại 124 nghìn tấn, tăng 124%; rồi nào là nguyên phụ liệu da giày, kim loại thường...
Nhập siêu lớn đâu phải do chúng ta "tha" về các mặt hàng xa xỉ. Tại sao trong khi đang tồn kho khoảng 300 nghìn tấn phân bón, các doanh nghiệp trong nước đang phải sản xuất dưới công suất thiết kế, chúng ta lại "chở về" chính mặt hàng này? Nếu để ý trên thị trường, có thể thấy chúng ta gần như nhập khẩu tất tần tật mặt hàng, từ tiêu dùng tới nguyên phụ liệu sản xuất, dây chuyền máy móc, thiết bị... Cụ thể, trong cơ cấu hàng nhập khẩu quý I, gần 90% kim ngạch dành cho máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu...
Chiếc iphone không phải là... cái tội. Nhóm hàng xa xỉ không phải là tội phạm.
Nói chung là như vậy...
Những câu hỏi rất đơn giản, được đặt ra đã lâu nhưng chưa hề được trả lời:
Việt Nam là nước nông nghiệp, lực lượng lao động trong lĩnh vực này chiếm đa số nhưng tại sao Việt Nam lại phải đi nhập về từ giống má, dây chuyền chế biến nông sản đến phân bón, thức ăn chăn nuôi? Phải chăng đây là những mặt hàng quá khó để sản xuất?
Giao thương là tất yếu nhưng tại sao Việt Nam là "cường quốc dệt may, da giày" mà trên thị trường, hầu như ít doanh nghiệp nội địa nào có được thị phần đáng kể?... Đến cái tăm người dân sử dụng cũng phải đi nhập. Tương tự là cây kim, sợi chỉ... Xem ra, trách chiếc iphone... oan quá.
Rõ ràng điều chúng ta cần để kiềm chế nhập siêu là tổ chức lại sản xuất. Song chừng nào tư duy lãnh đạo còn chưa nhận thức được điều này, chừng đó chúng ta vẫn còn thói quen "túm" bất cứ "đối tượng khả nghi" nào để đổ tội nhập siêu. Như vụ iphone chẳng hạn.