Cưỡng chế, xử lý dứt điểm trước ngày 30-4

Đời sống - Ngày đăng : 04:31, 11/04/2010

(HNM) - Báo Hànộimới ra ngày 8-4 và ngày 9-4 có đăng loạt bài

Bán đất làm gạch, tan hoang triền đê tại Mê Linh" phản ánh tình trạng khai thác tài nguyên đất để làm gạch, ngói, gây ảnh hưởng tới an toàn đê điều, vệ sinh môi trường, sản xuất nông nghiệp và mất an ninh trật tự tại địa phương. Sau khi báo đăng, UBND huyện Mê Linh đã có Công văn số 1015/UBND-HC trả lời vấn đề này.

Trong công văn do Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Trần Thị Mai ký nói trên, lãnh đạo huyện Mê Linh thừa nhận có các hiện tượng vi phạm nghiêm trọng, đặc biệt trong công tác quản lý đất đai, tài chính, đồng thời bày tỏ cảm ơn Báo Hànộimới đã góp tiếng nói để huyện tiếp tục chỉ đạo xử lý các lò gạch hoạt động trái phép trên địa bàn.

Rất đông người tham gia làm gạch ở vùng bãi sông Hồng tại huyện Mê Linh. Ảnh: Tuấn Lương


Công văn số 1015/UBND-HC cũng nêu rõ: Theo thống kê, tính đến tháng 7-2009, trên địa bàn huyện có 410 lò gạch thủ công hoạt động trái phép. Từ tháng 7-2009 đến nay, đã có 70% số lò gạch được xử lý, tháo dỡ. Tại các địa phương để xảy ra sai phạm, huyện đã xử lý kỷ luật những cán bộ, đảng viên có liên quan. Cụ thể: Cách chức chủ tịch UBND các xã Tráng Việt, Văn Khê. Riêng tại xã Tráng Việt, Tiến Thịnh đã khởi tố vụ án liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai (trong đó có lò gạch). Hiện vẫn còn tồn tại 125 lò gạch đang hoạt động (chủ yếu tại các xã Văn Khê, Tráng Việt, Thạch Đà). Số lò gạch này, Huyện ủy, UBND huyện Mê Linh đã chỉ đạo các xã, thị trấn cưỡng chế, tháo dỡ dứt điểm trong tháng 4-2010.

Tuy nhiên, trong quá trình xử lý cũng đã phát sinh một số vướng mắc. Theo bà Mai, trong quá trình xử lý các lò gạch còn chưa tháo dỡ thì đầu năm 2010, ở 2 xã Hoàng Kim và Văn Khê tại khu vực giáp ranh khi chưa cắm mốc giới để xác định ranh giới (ranh giới giữa lòng sông Hồng) với xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng) đã phát sinh 48 lò gạch mới. Cuối tháng 3-2010, Sở Nội vụ Hà Nội cùng 2 huyện Mê Linh và Đan Phượng và các đơn vị liên quan đã tổ chức cắm mốc giới ngoài thực địa. Sau khi cắm mốc giới, UBND huyện Mê Linh đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với huyện Đan Phượng kiểm tra. Nếu các lò gạch mới phát sinh thuộc địa giới do Mê Linh quản lý thì sẽ tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, trên địa bàn xã Văn Khê, trước đây, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã cho Công ty TNHH Sơn Tùng thuê 9,1ha đất để khai thác vật liệu xây dựng song công ty lại tổ chức sản xuất, đun đốt gạch thủ công. Hiện công ty này đã có văn bản xin chuyển mục đích sử dụng sang sản xuất gạch theo công nghệ thân thiện với môi trường. Việc này huyện đã báo cáo xin ý kiến UBND TP Hà Nội. Do đó, 30 lò gạch tại xã Văn Khê vẫn đang phải chờ ý kiến chỉ đạo của TP. Bên cạnh đó, một số chủ lò hiện còn gạch mộc chưa đun hết đã cam kết không làm gạch mộc mới và khi đun hết số gạch mộc còn lại sẽ tự tháo dỡ. Huyện Mê Linh cũng kiến nghị TP xử lý các lò gạch tại các địa bàn giáp ranh để tránh gây bức xúc trong nhân dân các xã trong vùng giáp ranh.

Cùng với Công văn số 1015/UBND-HC, UBND huyện Mê Linh cũng gửi tới Ban biên tập Báo Hànộimới Công văn số 982/UBND-HC (ký ngày 7-4-2010). Đây là công văn huyện chỉ đạo UBND các xã trực thuộc về việc xử lý các lò gạch hoạt động trái phép và xử lý vi phạm lấn chiếm đất đai, xây dựng công trình trái phép trên địa bàn. Đáng chú ý, công văn này khẳng định: "Sau ngày 25-4-2010, địa phương nào chưa xử lý xong thì phải tổ chức cưỡng chế, san gạt mặt bằng xong trước ngày 30-4-2010. Đối với các xã, thị trấn tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ lò gạch sau ngày 25-4-2010, UBND huyện sẽ có văn bản phê bình công khai trên toàn huyện. Đồng thời, chủ tịch UBND xã, thị trấn nơi đó phải chịu trách nhiệm trước UBND huyện".

Báo Hànộimới sẽ tiếp tục theo dõi và cập nhật thông tin đến bạn đọc về công tác xử lý của Huyện ủy, UBND huyện Mê Linh đối với những sai phạm trong công tác quản lý đất đai nói trên.

Tuấn Khải