Nhiều dự án trắc trở

Xã hội - Ngày đăng : 04:24, 11/04/2010

(HNM) - Cách đây hơn hai năm, khi mới có hai dự án phim về 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (Thái tổ Lý Công Uẩn và Thái sư Trần Thủ Độ), nhiều nhà làm phim và các nhà lịch sử đã tỏ rõ băn khoăn vì không đủ thời gian, tiền bạc và tài năng để làm phim lịch sử "ra tấm, ra món".

Vậy mà giờ đây, khi chỉ còn hơn sáu tháng nữa là đến ngày Đại lễ nhưng chỉ có hai dự án phim lớn hẹn ngày bấm máy, hai dự án đang trên trường quay và ba bộ phim lịch sử vừa hoàn thành.

Bộ phim “Trần Thủ Độ” được sản xuất chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Hai bộ phim sản xuất bằng kinh phí nhà nước là Thái sư Trần Thủ Độ (30 tập, kịch bản Nguyễn Mạnh Tuấn, đạo diễn Đào Duy Phúc) do Hà Nội “đặt hàng” Hãng Phim truyện I sản xuất và Long Thành cầm giả ca (kịch bản Văn Lê, đạo diễn Đào Bá Sơn) - bộ phim truyện nhựa trong kế hoạch sản xuất thường niên của Hãng Phim Giải phóng. Thái sư Trần Thủ Độ với kinh phí khoảng 53 tỷ đồng đang thực hiện những cảnh quay cuối tại trường quay Cổ Loa (Hà Nội), sau khi ghi hình tại một số bối cảnh trong nước và ở phim trường tại Trung Quốc. Long thành cầm giả ca được đầu tư khoảng 8 tỷ đồng, đang làm hậu kỳ và có thể sẽ in tráng tại Thái Lan. Hai dự án hoàn thành sớm vì nhà sản xuất không mất thời gian đi kêu gọi vốn góp đầu tư hay tài trợ như các dự án xã hội hóa. Theo kế hoạch, Hãng Phim truyện I sẽ giao Thái sư Trần Thủ Độ cho Hà Nội trong tháng 4. Còn đạo diễn Đào Bá Sơn cho biết, Long thành cầm giả ca sẽ ra mắt vào tháng 7-2010.

Bốn dự án phim xã hội hóa gồm có: Huyền sử thiên đô (70 tập, kịch bản Nguyễn Mạnh Tuấn, đạo diễn Phạm Thanh Phong) do Công ty Sao Thế Giới sản xuất, hứa hẹn bấm máy vào cuối tháng 4 tới, với kinh phí dự kiến 60 tỷ đồng. Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long (10 tập, đạo diễn người Trung Quốc Cận Đức Mậu và Tạ Huy Cường - Việt Nam) do Công ty cổ phần Truyền thông Trường Thành (Hà Nội) phối hợp với Đài EASTV (Hồng Công). Khát vọng Thăng Long (kịch bản Phan Đăng Di và nhóm tác giả, đạo diễn Lưu Trọng Ninh) với kinh phí khoảng 50-60 tỷ đồng do Công ty Kỷ Nguyên Sáng đại diện nhóm đầu tư và nhà sản xuất. Đạo diễn Lưu Trọng Ninh khẳng định chắc nịch lịch bấm máy vào ngày 25-2-2010 trong cuộc họp báo hồi tháng 1-2010 nhưng đến nay ông vẫn chưa biết cụ thể là ngày nào và bộ phim vẫn nằm trên giấy. Các dự án xã hội hóa đều rục rịch từ cả năm nay, nhưng chỉ Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long bấm máy hoàn toàn tại Trung Quốc là có vẻ sớm sủa hơn cả. Tây Sơn hào kiệt cũng được coi là dự án hướng tới 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, đã ra mắt trên phạm vi hẹp, do Hãng phim Lý Huỳnh sản xuất với vốn đầu tư 12 tỷ đồng. Chưa kể đến hai dự án đã xới xáo nhưng bây giờ không thấy nhắc đến là Thái tổ Lý Công Uẩn và Chiếu dời đô.

Làm phim lịch sử ở nước ta gần như bắt đầu từ con số không, nên ba năm chuẩn bị cũng còn thiếu nữa là… Chưa thể nói trước điều gì khi các sản phẩm chưa ra mắt, nhưng hậu quả nhãn tiền thì đã thấy. Chẳng nói đâu xa, Tây Sơn hào kiệt dù có được làm tâm huyết đến mấy, thì với quy mô ấy, trong khoản kinh phí ấy, thời gian ấy và êkíp ấy, đã bộc lộ những “hạt sạn”, như trang phục của quân lính hành quân từ Nam ra Bắc mà mới tinh, quan lại còn để lộ cả áo sơ mi bên trong, cành đào Nguyễn Huệ vượt đường sá xa xôi đem tặng Ngọc Hân rõ là đào giả… Vậy nên không khỏi nghi ngờ về bộ mặt những bộ phim lịch sử sẽ ra mắt tới đây, dù rằng hầu như ai làm phim đều quả quyết “thành tâm, hết lòng và tâm huyết” (!). Chưa nói đến việc cùng lúc có đến ba bộ phim về nhân vật Lý Công Uẩn dễ gây “bội thực” khán giả, dù rằng tôn vinh vĩ nhân thì cả chục bộ phim cũng còn thiếu. Nhưng sao cứ phải vội vàng và sao cứ phải làm phim?!

Vì sao biết làm phim lịch sử trong điều kiện hết sức khó khăn và áp lực của dư luận nhưng các nhà sản xuất vẫn cứ làm? Trước hết, với “mác” phim lịch sử, lại hướng về sự kiện trọng đại, các nhà sản xuất có thể xin tài trợ hay kêu gọi các cổ đông góp vốn đầu tư dễ hơn so với các dự án phim khác. Quả đúng, không chỉ các tỉnh, thành phố có thể dùng ngân sách tài trợ cho phim mà các doanh nghiệp cũng dễ trở thành những nhà đầu tư, đồng sản xuất hay tài trợ. Thực tế cho thấy, một số phim không bỏ qua cơ hội tranh thủ sự ủng hộ của các cơ quan cấp cao. Vậy là sinh ra những nhà đầu tư hay nhà tài trợ bất đắc dĩ. Nhưng số tiền trên giấy tờ là một con số nhưng thực chất tiền về đến dự án là con số khác. Đại diện nhà sản xuất hay các nhà đầu tư trong một số trường hợp trở thành nhà môi giới. Và dự án phim cũng như một thương vụ. Họ phải kiếm lời được từ những đồng tiền đi xin để làm phim. Vậy nên một người trong êkíp làm phim đang trong giai đoạn xin tài trợ phải kêu lên rằng: “Phim mình không bao giờ khá lên được, vì tiền làm phim trên giấy tờ là 10 đồng nhưng đến lúc ra trường quay chỉ còn 3 đồng vì bị “rơi rụng” khi dự án đi qua các cửa”.

Có vội hoan nghênh các dự án lịch sử làm phim bằng nguồn vốn xã hội hóa không khi cả trăm tỷ đồng huy động được thực ra đều là tiền nhà nước. Chưa nói đến việc ra đời những sản phẩm văn hóa dễ dãi có thể gây ảnh hưởng lâu dài chứ không phải như một vị chức sắc nói rằng “hay dở chúng tôi tự chịu”.

Hoàng Giang Sơn