“Đăng kiểm” trường nghề?

Giáo dục - Ngày đăng : 04:09, 11/04/2010

Chuyện: Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đến nay, cả nước có khoảng 1.200 trường, trung tâm dạy nghề và hơn 1.000 cơ sở dạy nghề tại các doanh nghiệp và cơ sở giáo dục.

Để tránh tình trạng "loạn trường nghề", cách đây ba năm, Bộ kiểm định chất lượng các trường dạy nghề "tầm cỡ" quốc tế đã được đưa ra với nhiều tiêu chí, hàng chục tiêu chuẩn và hơn 100 chỉ số. Khi đó, nhiều người hy vọng sẽ thiết lập được hệ thống chuẩn đối với một trường đào tạo nghề nhằm nâng cao chất lượng đào tạo lao động. Ngoài bộ kiểm định này, có thể kể đến hàng chục bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia của các hội nghề nghiệp (riêng nghề xây dựng có tới 10 bộ).

Đây được xem là thước đo, là công cụ đánh giá, kiểm định trường nghề, đồng thời "tấm giấy kiểm định" này góp phần tạo nên "thương hiệu" trường cũng như là tiêu chí để nhà tuyển dụng lựa chọn.

Tuy nhiên, đến giờ việc ứng dụng bộ tiêu chuẩn mới chỉ được làm... thí điểm. Chẳng hạn, năm 2008 chỉ có 15 trường cao đẳng, trung cấp nghề được "nội soi"; năm 2009 con số này là 21 trường, bao gồm 5 trường trung cấp nghề và 16 trường cao đẳng nghề. Dự kiến, trong năm 2010, Tổng cục Dạy nghề sẽ kiểm định chất lượng 30 trường trung cấp, cao đẳng nghề và 10 trung tâm dạy nghề.

Con số này quá thấp so với hơn 1.000 trường, trung tâm dạy nghề cả nước.

Câu hỏi đặt ra: Chất lượng nguồn nhân lực luôn là vấn đề. Chất lượng cơ sở đào tạo nghề cũng luôn là vấn đề. Không chỉ nhà đầu tư nước ngoài than phiền mà nhiều doanh nghiệp trong nước cũng kêu khổ.

Trả lời phỏng vấn, một cán bộ Ban quản lý khu công nghiệp và khu chế xuất Hà Nội cho hay, từ nay tới năm 2020, các khu công nghiệp và công nghệ cao cần khoảng 400-500 nghìn lao động nhưng chưa tìm được một trường nghề nào có thể đào tạo theo yêu cầu của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Hiện nay, các doanh nghiệp thường phải nhận lao động phổ thông về tự đào tạo.

Đây cũng là lời than thở của nhiều nhà tuyển dụng. Tại sao vậy? Điều trục trặc gì đã xảy ra giữa những trường đã được kiểm định với yêu cầu của nhiều nhà tuyển dụng vậy? Họ đã không "gặp nhau" ở chỗ nào?

Nếu như coi bộ kiểm định là thước đo năng lực các cơ sở dạy nghề, tại sao lại không thực hiện phổ biến, bởi đây không chỉ là "cuộc sát hạch" cơ sở đào tạo mà còn là hệ quy chiếu cho các trường nhìn vào đó để thay đổi, đầu tư, nâng cấp? Hay bản thân bộ kiểm định này... có vấn đề?

Dân Biết