Làm gì để không bị “chặt, chém”?

Xã hội - Ngày đăng : 06:13, 10/04/2010

(HNM) - Dịp lễ 30-4 và 1-5 năm nay lại có thêm ngày nghỉ cuối tuần nên lượng khách đăng ký

Du khách tham quan động Thiên Cung, Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh). Ảnh: Thu Giang


Dịch vụ du lịch quá tải
Theo ghi nhận từ các công ty du lịch, dù lượng khách đã được "san bớt" vào dịp Quốc lễ Giỗ tổ Hùng Vương diễn ra trước đó nhưng số du khách đăng ký "tua" dịp 30-4 vẫn tăng mạnh.

Với tổng cộng hơn 150 "tua" trong và ngoài nước, được chia thành nhiều chùm "tua" chuyên đề, hiện Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist đã có hơn 5.000 du khách đăng ký "tua" dịp lễ 30-4 và 1-5 qua các văn phòng trong hệ thống trên toàn quốc (tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái). Chùm "tua" nước ngoài hút khách nhất của Saigontourist là: Xingapo, Malaixia, Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... Ngoài ra, các hành trình thăm di sản kết hợp nghỉ dưỡng tại các bãi biển dọc miền Trung và hải đảo như Phú Quốc, Côn Đảo, Vịnh Hạ Long… do Saigontourist thiết kế cũng là lựa chọn của du khách. Còn tại Công ty Du lịch Vietravel Hanoi, các "tua" hút khách như Hồng Công, Campuchia... đã khóa sổ từ trước một tháng so với lịch khởi hành. Dự kiến năm nay, Vietravel sẽ phục vụ khoảng 12.000 khách du lịch trong dịp lễ 30-4 và 1-5 (tăng khoảng 15-20% so với năm trước). Công ty Du lịch Fiditour cũng dự kiến trong dịp Giỗ tổ Hùng Vương và 30-4, 1-5 năm nay sẽ có khoảng 15.000 khách đăng ký "tua" (tăng 24% so với năm 2009)...

Ông Nguyễn Công Hoan, Phó Giám đốc Trung tâm Lữ hành quốc tế HaNoi Redtour cho biết, nhiều năm trở lại đây, nhu cầu khách đi du lịch năm sau tăng hơn năm trước. Kể cả năm 2009 dù ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế nhưng lượng khách du lịch dịp 30-4 vẫn tăng 10-15%. Xu thế chung của du khách Việt vẫn thích chọn các điểm đến như: Thái Lan, Xingapo, Hồng Công... do giá rẻ lại có thể kết hợp vui chơi, nghỉ dưỡng và mua sắm. Còn với các "tua" trong nước tuy đông nhưng các công ty du lịch chỉ khai thác được ở mức độ vừa phải vì người dân tự tổ chức đi những "tua" ngắn (như: Hạ Long, Sầm Sơn, Đồ Sơn, Sa Pa...) thay vì đăng ký qua các công ty du lịch. Điều này dẫn đến sự quá tải tại các điểm du lịch và kéo theo đó là nạn "chặt, chém".

Ngay tại thời điểm này, giá các loại dịch vụ du lịch như: vận chuyển, phòng khách sạn, ăn uống… đã bắt đầu rục rịch tăng. Đối với các "tua" ngắn ngày, du khách tự tổ chức thì khó khăn nhất vẫn là việc thuê xe ô tô. Từ Tết Nguyên đán đến nay, nhu cầu đi lễ đầu năm của người dân tăng cao nên xe ô tô cho thuê không đủ đáp ứng, khiến giá cũng tăng lên từ 40-60%. Ngoài cước vận chuyển, giá phòng dịp này cũng sẽ tăng cao hơn so với ngày thường. Ở khu vực phía bắc, tại những điểm du lịch "hot" như: Đồ Sơn, Hạ Long, Sa Pa... giá phòng có thể tăng tới 50-70%, thậm chí gấp đôi.

Khách lẻ dễ bị… "chặt, chém"!
Theo ông Nguyễn Công Hoan, chỉ có các khách sạn uy tín, cao cấp mới duy trì chính sách giá ổn định đối với các công ty du lịch. Còn các khách sạn trung bình, nhà nghỉ thường "găm" phòng để bán trực tiếp cho du khách. Trong những dịp nghỉ lễ, họ sẽ tự ý tăng giá. Như vậy, chỉ có các khách lẻ dễ bị... chặt, chém. "Người Việt Nam thường đi du lịch theo cảm hứng mà không có một kế hoạch cụ thể từ trước. Điều đó khiến họ hay gặp phải cảnh bị ép giá do khan nguồn cung".

Dù năm nào vào dịp cao điểm của mùa du lịch, chính quyền sở tại đều tiến hành các đợt ra quân và hứa sẽ tìm mọi biện pháp để hạn chế tình trạng "chặt, chém" tại các điểm du lịch, nhưng cứ mỗi dịp nghỉ lễ qua đi, hiện tượng "chặt, chém", đối xử thô bạo, thiếu văn hóa với du khách vẫn tái diễn. Vậy "Bảo vệ du khách bằng cách nào trước thực trạng trên?".

Trong khi chờ những biện pháp khả dĩ từ cơ quan chức năng, theo kinh nghiệm của các hướng dẫn viên du lịch, để tránh tình trạng bị ép giá tại các khu du lịch, du khách nếu tự tổ chức "tua" thì nên liên hệ đặt chỗ trước từ vài tuần vì nếu gần đến ngày khởi hành mới đăng ký sẽ rất khó khăn trong việc thuê xe, mua vé máy bay hoặc đặt phòng khách sạn. Nếu đăng ký "tua" cũng nên đăng ký sớm để tránh bị tăng giá, ép khách những ngày cao điểm hoặc các công ty không nhận khách vì vé máy bay thiếu, khách sạn tốt hết chỗ. Ngoài ra, việc chọn "tua" cần hỏi kỹ giá cả, thực đơn ăn uống, khách sạn lưu trú, thời gian đi lại, đặc biệt là với những "tua" khuyến mại, ghép đoàn. Tránh mua "tua" đặt vé khởi hành và trở về vào giữa trưa hoặc đầu giờ chiều (vì chương trình đã bị cắt xén mất 1 ngày). Nên mua "tua" trọn gói qua các công ty du lịch có uy tín và tìm hiểu qua tư vấn từ phía họ để có được sản phẩm hợp lý về thời gian, điểm đến và giá cả.

Thu Trang