Đất Thép hồi sinh

Chính trị - Ngày đăng : 05:34, 10/04/2010

(HNM) - Nhìn những con đường làng trải nhựa thẳng tắp, những trang trại trù phú, khu công nghiệp sầm uất… khó ai hình dung nơi đây từng là

Đền Bến Dược, nơi tưởng niệm 44.209 liệt sỹ đã hy sinh cho đất nước.


Hồi sinh từ máu
Với hơn 500.000 tấn bom, đạn đế quốc Mỹ đã trút xuống Củ Chi, trung bình cứ 1m2 đất phải gánh chịu khoảng 3kg, nhiều đến mức người ta từng ví "phải gạt mảnh bom, vỏ đạn mới thấy đất". Địa danh "đất Thép" không chỉ tượng trưng cho ý chí chiến đấu ngoan cường của quân dân Củ Chi mà còn nói lên cái khắc nghiệt của mảnh đất này.

Đây từng là tử địa mà quân thù khiếp sợ, quân và dân đất Thép đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 20.000 tên địch, bắn rơi 256 máy bay, phá hủy trên 5.000 xe tăng, xe thiết giáp và nhiều phương tiện chiến tranh khác. Củ Chi đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Thành đồng Tổ quốc; 13 xã và 28 cá nhân được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; toàn huyện có 715 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 1.800 dũng sỹ diệt Mỹ... Vinh quang và đau thương! Đất Thép ấy cũng thấm đẫm máu của hàng nghìn người con ưu tú. Kẻ thù đã ném bom, rải chất độc khai quang quyết biến Củ Chi thành "vùng đất chết" nhằm tiêu diệt căn cứ kháng chiến. Chiến tranh đi qua để lại cảnh đổ nát, máu thường dân vẫn tiếp tục đổ xuống do bom mìn còn vương vãi. Phải phủ xanh quê hương! Khát vọng hòa bình, ấm no, hàn gắn vết thương chiến tranh thôi thúc quân dân Củ Chi bước vào cuộc chiến mới.

Ba năm sau ngày hòa bình, đại đội công binh đã tháo gỡ, phá nổ gần 95.000 quả bom, mìn để giải phóng đất đai cho nông dân sản xuất, xây dựng các công trình… Vùng "đất chết" ấy đã hồi sinh từ máu của những chiến sỹ công binh. Có người để lại một phần thân thể của mình, cũng có người đã nằm lại vĩnh viễn. Người dân xã Tân Phú Trung vẫn còn nhớ cái ngày anh Trần Văn Út ngã xuống khi mở đường dọn bãi mìn quanh đồn Lào Táo. Xã Thái Mỹ cũng là nơi anh Phan Văn Đu để lại đôi bàn tay và mắt phải của mình… Những giọt máu thiêng ấy đã ươm mầm cho sức sống kỳ diệu nơi đây trỗi dậy.

Tiếp nối những trang sử vàng
Từ vùng quê nghèo khó, Củ Chi hôm nay đang chuyển mình, đổi mới cơ cấu công - nông nghiệp bền vững. Nếu TP Hồ Chí Minh tự hào dẫn đầu cả nước trong ngành chăn nuôi bò sữa, thì Củ Chi được xem là "chiếc nôi", với gần 40.000 con trên tổng đàn 60.000 con của toàn thành phố. Chương trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã đổi đời cho người nông dân. Những vùng đất phèn làm lúa một vụ không đủ ăn, nay đã phủ màu xanh mát của những cánh đồng rau sạch, những vườn lan, vườn cảnh xuất khẩu. Nhiều gia đình mạnh dạn làm kinh tế trang trại, nuôi cá cảnh, thú rừng, côn trùng (dế, bò cạp) vừa đem lại nguồn lợi kinh tế cao vừa thu hút khách tham quan, kết hợp làm dịch vụ du lịch sinh thái. Bằng đôi bàn tay cần cù lao động, không ít người đã trở thành triệu phú như: "Nữ hoàng" hoa lan Nguyễn Thị Bảy, "Vua" bò sữa Nguyễn Khắc Đạo… Điều đáng quý nhất là tình làng nghĩa xóm nơi đây. Những hộ khá giả luôn hết lòng giúp đỡ hộ còn khó khăn, vừa cho mượn con giống, cây con, vừa hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng. Qua đó dần hình thành những làng nghề, vùng chuyên canh. Xóa đói giảm nghèo không chỉ dừng lại ở chương trình hỗ trợ của chính quyền địa phương mà thực sự lan tỏa sâu rộng, trở thành nét đẹp văn hóa trên mảnh đất anh hùng.

Không chỉ xây dựng thành công vùng nông nghiệp kỹ thuật cao, sức sống công nghiệp cũng đang trỗi dậy mạnh mẽ. Người dân đất Thép không còn rời quê vào nội thành làm việc mà trái lại các cụm, KCN Tây Bắc, Tân Phú Trung, Tân Quy đang thu hút hàng chục nghìn lao động. Và tương lai, khi các KCN hóa dược (xã Phước Hiệp), Đông Nam (xã Hòa Phú, Bình Mỹ), Bàu Đưng (xã An Nhơn Tây), Cụm công nghiệp cơ khí ô tô Hòa Phú - Tân Thạnh Đông, Phạm Văn Cội, Bàu Trăn, Tân Quy… đi vào hoạt động sẽ đưa Củ Chi trở thành tiểu đô thị công nghiệp vệ tinh của thành phố. Ngoài ra, Khu đô thị Tây Bắc đang là trung tâm thu hút giới đầu tư được liên kết với nhiều công trình văn hóa, xã hội quy mô: Công viên nước, công viên giải trí quốc tế, Khu di tích lịch sử Sài Gòn - Gia Định, Công viên hoang dã Safari (khu vui chơi khoảng 460ha lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam với những khu vực thả thú bán hoang dã, tham quan vườn thú đêm… Đây cũng sẽ là nơi nhân giống bảo tồn các loại thú quý hiếm, trung tâm giáo dục bảo tồn môi trường thiên nhiên).

Củ Chi hôm nay được nhắc đến không chỉ với địa đạo, với những chiến tích anh dũng mà còn là một vùng nông thôn trù phú, hiền hòa bên bờ sông Sài Gòn.

Bình Minh