Vướng cơ chế, chậm triển khai

Chính trị - Ngày đăng : 05:25, 10/04/2010

(HNM) - Thụy Hương là một trong 11 xã của cả nước được chọn thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới (NTM) với đặc trưng của vùng Đồng bằng Bắc bộ, ven đô thị lớn. Theo kế hoạch, đến hết tháng 6-2011, mô hình này phải hoàn thành để tổng kết, rút kinh nghiệm nhân rộng. Tuy nhiên, quá trình triển khai đang gặp rất nhiều khó khăn.

Đường sá khang trang tại Thụy Hương (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Bá Hoạt


Nhiều dự án chậm triển khai
Thụy Hương được đánh giá là xã có nhiều thuận lợi trong xây dựng NTM với 60-70% tiêu chí đã đạt yêu cầu. Được triển khai từ tháng 6-2009, đến nay, Thụy Hương đã cơ bản hoàn thành các quy hoạch, thực hiện được nhiều phần việc nhưng theo đánh giá của UBND huyện Chương Mỹ thì những việc đã triển khai chủ yếu là đầu tư cho kết cấu hạ tầng. Một số tiêu chí như: tăng thu nhập bình quân đầu người, giảm tỷ lệ hộ nghèo, giảm tỷ lệ lao động trong nông nghiệp... chậm triển khai do gặp nhiều khó khăn.

Đơn cử, theo bộ tiêu chí về NTM, thu nhập bình quân đầu người/năm của người dân so với mức bình quân chung của thành phố phải cao hơn 1,5 lần (hiện bình quân thu nhập của Thụy Hương mới đạt 9 triệu đồng, trong khi bình quân chung của Hà Nội là 15 triệu đồng/người/năm). Để hoàn thành mục tiêu nâng thu nhập là rất khó. Theo ông Nguyễn Đức Học, Chủ tịch UBND xã Thụy Hương, xã đã lập 4 đề án chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao thu nhập cho người dân gồm: Đề án sản xuất RAT trên diện tích gần 80ha; đề án sản xuất hoa, cây cảnh rộng 10ha; đề án trồng cây ăn quả trên diện tích 40ha, đề án khu chăn nuôi xa khu dân cư quy mô 30ha... Theo kế hoạch, các dự án trên phải được triển khai từ cuối năm 2009, tuy nhiên, đến nay đã kết thúc quý I - 2010 nhưng vẫn chưa thực hiện.

Ngoài ra, theo ban chỉ đạo xây dựng NTM xã Thụy Hương, tổng nguồn vốn thực hiện NTM của xã là trên 105 tỷ đồng, trong đó kinh phí Nhà nước hơn 70 tỷ đồng, huy động từ các doanh nghiệp là hơn 16 tỷ đồng, nhân dân đóng góp là trên 14 tỷ đồng... Tuy nhiên, việc huy động vốn trong nhân dân và trong doanh nghiệp rất khó, hiện mới đạt 4,7/14 tỷ đồng (đã tính cả ngày công lao động quy thành tiền) và 3/16 tỷ đồng huy động từ doanh nghiệp (do ngành điện đầu tư). Nguyên nhân là do đời sống nhân dân còn khó khăn, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn xã hầu như không có nên khó huy động vốn. Trong khi đó, chủ trương của thành phố cho địa phương đấu giá quyền sử dụng đất, xử lý đất xen kẹp tạo nguồn vốn để thực hiện đề án, nhưng do phải qua rất nhiều thủ tục hành chính nên đến nay, hồ sơ thủ tục vẫn chưa được các ngành chức năng phê duyệt.

Cần sự tháo gỡ kịp thời
Ông Nguyễn Đức Học cho rằng: Để đạt được đủ 19 tiêu chí về NTM vào tháng 6-2011 là một thách thức rất lớn đối với cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong xã. Ngoài những khó khăn khách quan, là địa phương đầu tiên làm điểm xây dựng mô hình NTM, thời gian triển khai ngắn, lại cùng lúc phải tiếp thu, tổ chức thực hiện nhiều công việc. Trong khi đó, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ xã còn hạn chế lại chưa có kinh nghiệm nên quá trình triển khai không tránh khỏi lúng túng.

Thụy Hương kiến nghị các sở, ngành cũng như thành phố cần quyết liệt hỗ trợ địa phương tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án. Đối với các đề án đã trình, đặc biệt là đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thành phố sớm thẩm định và phê duyệt để địa phương bắt tay triển khai ngay. Mục tiêu huy động vốn trong nhân dân theo đề án là hết sức khó, vì vậy, cần có cơ chế yêu cầu doanh nghiệp đầu tư vào địa phương có đóng góp nhất định cho xây dựng NTM. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ cơ sở cũng cần được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức để đáp ứng yêu cầu xây dựng NTM...

Ông Nguyễn Văn Doanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Chương Mỹ cho rằng: Để mô hình NTM ở Thụy Hương về đích đúng tiến độ, trong điều kiện nguồn lực hỗ trợ của nhà nước còn hạn chế, xã Thụy Hương cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về chủ trương, chính sách xây dựng NTM nhằm tạo sự đồng thuận, phát huy nội lực của nhân dân. Đặc biệt, những khó khăn về cơ chế, thủ tục triển khai các dự án cũng cần sự hỗ trợ tích cực, kịp thời của các ngành chức năng và thành phố.

Trong xây dựng hạ tầng, đã có 8/12km đường giao thông được triển khai xây dựng với kinh phí 9,2 tỷ đồng; cơ bản hoàn thành 3 công trình thủy lợi với kinh phí 3,4 tỷ đồng; xây dựng xong khu nhà 2 tầng gồm 12 phòng khám chữa bệnh, kinh phí 2,5 tỷ đồng và hoàn thành xây mới 11 phòng học kinh phí 2,9 tỷ đồng. Để nâng cấp hạ tầng điện, ngành điện đã đầu tư xây dựng 1 trạm biến áp 250 KVA, cải tạo lưới điện với kinh phí 3 tỷ đồng và thực hiện bán điện trực tiếp cho các hộ dân. Ước tính tổng số tiền đầu tư cho NTM của xã đã đạt trên 30,1 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương là 4 tỷ đồng; thành phố là 16,5 tỷ đồng, nhân dân đóng góp hơn 4,7 tỷ đồng…

Nguyễn Mai