Gồng mình dập dịch, chờ mưa
Kinh tế - Ngày đăng : 05:03, 10/04/2010
* 25 tỉnh khu vực miền Bắc, miền Trung xuất hiện dịch bệnh
* Mùa mưa đến muộn, nhiệt độ trung bình cao hơn 0.5 độ C đến 1 độ C
(HNM) - Sản xuất nông nghiệp cả nước đang đối mặt với khó khăn chồng chất do những biến đổi bất thường của thời tiết. Miền Bắc căng sức đối phó với dịch bệnh hại lúa, lại phải gồng mình với hạn hán diện rộng làm một diện tích không nhỏ đất đai bỏ hoang; miền Trung, Tây Nguyên thì khô hạn kéo dài. Trong khi đó, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang bị mặn hóa xâm nhập. Trước tình hình này, Bộ NN&PTNT đang tập trung chỉ đạo các địa phương dồn sức chống hạn và dập dịch để sản xuất nông nghiệp đạt kế hoạch.
Hàng vạn hécta đất phải bỏ hoang vì hạn hán. Ảnh: Phương An |
Sâu bệnh hoành hành
Theo Cục Bảo vệ thực vật, đến hôm qua (9-4), khu vực miền Bắc, miền Trung đã có 25 tỉnh xuất hiện bệnh lùn sọc đen, làm hơn 23.000ha lúa bị nhiễm bệnh. Trong khi đó, bệnh rầy nâu, rầy lưng trắng, đạo ôn, chuột… gây hại trên diện rộng ở các tỉnh Khánh Hòa, Đắc Nông, Bình Định, Phú Thọ, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hòa Bình. Tại Bình Định, dịch rầy nâu bùng phát mạnh trên gần 32 nghìn hécta, trong đó diện tích nhiễm nặng là hơn 16 nghìn hécta. Đáng nói dịch rầy nâu, rầy lưng trắng ở Bình Định xuất hiện trên trà lúa đang ở giai đoạn lúa làm đòng, trỗ, chín nên sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất. Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho biết, trong 2 vụ lúa gần đây, địa phương này liên tục bùng phát dịch rầy nâu và ổ dịch bắt nguồn từ lúa chân 3 vụ sau đó lây qua lúa chân 2 vụ, dập dịch tốn kém hàng chục tỷ đồng, nguy cơ phá vỡ môi trường và gây mất cân bằng sinh thái.
Cục Trồng trọt khuyến cáo, các tỉnh cần bố trí thời vụ xuống giống tập trung, có thời gian giãn cách giữa 2 vụ khoảng 1 tháng để vệ sinh đồng ruộng và cắt vòng đời rầy nâu; sử dụng cơ cấu giống hợp lý, loại bỏ các giống nhiễm rầy; không sạ dày… Ông Bùi Sỹ Doanh, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho rằng, diệt trừ sâu bệnh cần tính toán giải pháp mang tính bền vững và có hệ thống trên toàn khu vực. Trước mắt, các địa phương cần đẩy mạnh áp dụng chương trình IPM, ứng dụng hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI); duy trì hệ thống bẫy đèn để theo dõi nguồn rầy di trú…
Nguy cơ thất bát
Theo Tổng cục Thủy lợi, lượng mưa thiếu hụt lớn so với trung bình nhiều năm khiến mực nước các hồ chứa xuống thấp mức kỷ lục. Thời điểm này, mực nước các hồ chứa chỉ đạt bình quân 50%. Nghiêm trọng hơn có hồ cạn kiệt, không bảo đảm nước tưới cho sản xuất nông nghiệp và đe dọa đến an toàn công trình như hồ Đồng Mô (Hà Nội), hôm qua (9-4) mực nước chỉ còn 14% so với thiết kế. Mưa ít, mực nước ngầm xuống thấp khiến việc gieo trồng tại miền Bắc gặp khó khăn, nhiều diện tích bị bỏ hoang. Tổng hợp từ các tỉnh miền núi phía bắc cho thấy, do hạn hán kéo dài, toàn vùng phải chuyển 7.200ha lúa sang trồng màu, chiếm 3,3%; gần 25% diện tích gieo trồng cây màu bị hạn nặng, trong đó khoảng 10% diện tích phải trồng lại.
Tại tỉnh Hà Giang, khô hạn kéo dài đã 8 tháng khiến diện tích cây trồng mới đạt 70 đến 80% kế hoạch. Qua thống kê, hơn 11 nghìn hécta đất trồng lúa, ngô phải bỏ hoang và 6.000ha lúa đã cấy nhưng nguy cơ mất trắng vì không có nước. Đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Hà Giang lo lắng, phần lớn hộ nông dân bỏ đất không gieo trồng là diện nghèo, khó khăn, không đủ điều kiện mua hạt giống để tái gieo trồng cho diện tích ngô, lúa đã bị chết. Như vậy, diện tích đất bỏ trống ở Hà Giang chắc chắn sẽ còn tăng, nếu khô hạn vẫn kéo dài và không được hỗ trợ về hạt giống. Tại tỉnh Cao Bằng, các cây trồng chủ lực đạt tỷ lệ rất thấp, trong đó ngô 49% với 14 nghìn hécta đất phải bỏ hoang; lạc 10%…
Trong khi các tỉnh miền Bắc phải gồng mình với hạn hán trên cây lương thực thì các tỉnh Tây Nguyên cũng phải đối mặt với tình trạng hạn hán đe dọa các loại cây lâu năm. Cục Trồng trọt cho biết, từ cuối tháng 1 đến nay hầu như các tỉnh miền Trung không có mưa; các tỉnh Phú Yên, Đắc Nông, Đắc Lắc nhiều diện tích bị hạn nặng… Tại Đắc Nông, ngoài 300ha lúa đang bị thiếu nước tưới, gần 10.000ha cà phê cũng trong hoàn cảnh tương tự. Nếu trong thời gian tới vẫn không có mưa chắc chắn diện tích cà phê bị khô hạn sẽ còn gia tăng. Ông Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt nhận định, với tình hình khô hạn, sâu bệnh và mặn hóa xâm nhập cao như hiện nay, việc ảnh hưởng đến năng suất cây trồng là khó tránh khỏi.
Nông dân nhổ lúa nhiễm bệnh rầy nâu. Ảnh: Hoàng Hải |
Gồng mình giữ lúa
Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, nhiều khả năng năm nay mùa mưa sẽ đến muộn hơn khoảng 1 tháng; nhiệt độ cũng sẽ cao hơn trung bình nhiều năm từ 0.5oC đến 1oC. Trước tình hình này, tại hội nghị giao ban sản xuất với các tỉnh miền núi phía bắc và miền Trung, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát chỉ đạo ngành nông nghiệp các địa phương phải vào cuộc đồng bộ, quyết liệt để chống hạn và nhanh chóng dập dịch hại cây trồng. Các tỉnh cần có phương án cụ thể đối phó, trữ nước sản xuất, sinh hoạt, chủ động tạm ứng kinh phí để giúp người dân phòng trừ sâu bệnh, đối phó hạn hán. Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng đề nghị các tỉnh rà soát cơ cấu giống, xây dựng lịch thời vụ, sử dụng biện pháp kỹ thuật thâm canh bảo đảm năng suất, chất lượng; tăng cường kiểm tra chất lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; hướng dẫn sử dụng các loại phân bón hỗn hợp hữu cơ, phân khoáng NPK. Tăng cường kiểm tra bảo đảm an toàn công trình trước mùa mưa lũ; tiếp tục xem xét kỹ các hồ chứa, đối với các hồ xung yếu cần ưu tiên sửa chữa ngay…