Bài 1: Màu xanh đang phủ “tuyến lửa”

Chính trị - Ngày đăng : 04:41, 10/04/2010

(HNM) - Sau các chiến dịch Tây Nguyên và Huế - Đà Nẵng, trên bản đồ hành chính của chính quyền Sài Gòn, 11/13 tỉnh đã thuộc quyền kiểm soát của Quân giải phóng. Chiếc

Những cố vấn Mỹ còn "kiên trì bám trụ" ở miền Nam Việt Nam tới thời điểm trước ngày 30-4-1975 trong đó có Tướng Weyand đã tham mưu cho Nguyễn Văn Thiệu xây dựng một phòng tuyến mới từ Xuân Lộc đến Phan Rang. Và Phan Rang trở thành "phên dậu" phía đông nhằm ngăn chặn cánh quân duyên hải của Quân giải phóng, hỗ trợ phòng ngự cho cụm cứ điểm Xuân Lộc, bảo vệ Sài Gòn…

Công viên 16-4 thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. Ảnh: Thu Vân


"Ngày cuối cùng" cận kề

Tôi gặp Chủ tịch Hội CCB tỉnh Ninh Thuận Lê Văn Nhiễm (Mười Nhiễm) khi ông tất tả lo chạy kinh phí để tổ chức gặp mặt các CCB nhân 35 năm Ngày giải phóng Ninh Thuận (16/4/1975-16/4/2010). Ông Nhiễm người gốc Ninh Thuận, năm nay 76 tuổi, tham gia cách mạng từ năm 1951, sau đó tập kết ra Bắc rồi trở về năm 1961. Từng có mặt trong ngày đầu thành lập đại đội đầu tiên của tỉnh, làm Tiểu đội trưởng, sau làm Chính trị viên Tiểu đoàn 610 bộ đội địa phương, rồi làm Phó Chỉ huy chính trị Mặt trận Tiền phương C (địa bàn từ Phan Rang đi Đà Lạt, Lâm Đồng) cho đến ngày giải phóng nên ông Nhiễm rành mọi chuyện. Ông kể: Tại đây ngày đó chúng bố trí 2 trung đoàn, 1 lữ đoàn dù, 1 liên đoàn biệt động quân, Sư đoàn Không quân số 6 với 150 máy bay các loại đóng tại sân bay Thành Sơn (sân bay quân sự lớn nhất miền Nam của địch lúc bấy giờ). Ngoài ra còn có lực lượng bảo an bố trí phòng thủ tại các chốt Suối Đá, Bà Râu, Hộ Diêm, Cà Đú, ga Tháp Chàm…

Điện của Bộ Chính trị (17 giờ 50 ngày 14 tháng 4 năm 1975) về Chiến dịch giải phóng Sài Gòn lấy tên là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”
Gửi: Anh Tám Thành, anh Bảy Cường, anh Tuấn
Ngày 14-4-1975, Bộ Chính trị đã họp nghe Quân ủy Trung ương báo cáo về tình hình mặt trận Sài Gòn và các phương hướng, chủ trương mà các anh đã điện ra. Bộ Chính trị nhất trí với các phương hướng, chủ trương ấy. Mong các anh tranh thủ thời gian chuẩn bị thật tốt để giành thắng lợi thật to lớn. Bộ Chính trị đồng ý Chiến dịch giải phóng Sài Gòn lấy tên là "Chiến dịch Hồ Chí Minh". Chúc các anh khỏe!

Ngoài vị trí chiến lược, Phan Rang còn là nơi "chôn nhau cắt rốn" của Nguyễn Văn Thiệu nên Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Tư lệnh Vùng 4 chiến thuật được điều động chỉ huy phòng tuyến; Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang, Tư lệnh Sư đoàn 6 không quân vừa chân ướt chân ráo "chạy về" từ chiến trường Pleiku cũng được điều về chỉ huy phi trường Thành Sơn. Các cố vấn Mỹ có mặt trực tiếp tham mưu cho quân đội chính quyền Sài Gòn dựng tấm lá chắn phòng thủ. Nhằm ngăn bước tiến của Quân giải phóng, địch chọn "cửa ải" Du Long - nơi có địa thế hiểm trở trên đường 1, nằm kẹp giữa núi Chúa và núi Xanh để giao cho Lữ đoàn dù và Liên đoàn Biệt động 31 bố trí trận tuyến bảo vệ Phan Rang với hệ thống lô cốt dày đặc, kiên cố. Để trấn an tinh thần đám binh tàn, tướng bại, chúng huênh hoang chốt chặn ở đây "một người địch lại trăm người"… Vậy mà chỉ nội trong ngày 14-4-1975, toàn bộ Chi khu quân sự Du Long của địch (nay là xã Công Hải, huyện Thuận Bắc) đã tan rã khi các mũi tiến công của Trung đoàn 2 thuộc Sư đoàn Sao Vàng đồng loạt nổ súng. Ông Đinh Thành Hiệp (tức Luma Hiệp), Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bác Ái (thời trước giải phóng 1975) kể: Lúc đó chúng tôi được lệnh dẫn một đại đội địa phương xuống Du Long, vừa để dẫn đường cho quân chủ lực, vừa phối hợp đánh địch. Xuống tới nơi thì những vị trí trọng điểm đã được lính "sư 3" chiếm giữ, chuẩn bị cho giờ nổ súng. Cả đại đội của Luma Hiệp bị Quân giải phóng bắt giữ, thu trang bị vũ khí vì… bị tưởng nhầm là lính bảo an. Mãi sau, chuyện "quân ta - quân mình" mới rõ, lúc đó cả quân chủ lực và quân địa phương mới thở phào, may không có thương vong. Chiếm xong Chi khu quân sự Du Long, đại đội của Luma Hiệp còn dẫn một mũi của "sư 3" theo đường núi, vượt Bác Ái, áp sát sân bay Thành Sơn, mũi khác phong tỏa, chiếm cảng Ninh Chữ và ém tại đây để chặn đường rút chạy của địch… phá vỡ "lá chắn thép Du Long". Đúng một ngày sau, 10 giờ sáng 16-4-1975 thị xã Phan Rang rực rỡ cờ hoa, toàn bộ Ninh Thuận được giải phóng, phòng tuyến từ xa của chính quyền Sài Gòn sụp đổ. Tướng Nghi, tướng Sang, một đại tá cố vấn Mỹ cùng toàn bộ thuộc cấp chỉ huy phòng tuyến Phan Rang bị bắt giữ tại cánh đồng mía ở Mỹ Đức…

Thức dậy những tiềm năng
Đưa tôi xuống thăm xã Công Hải, Lợi Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Bắc Nguyễn Phi Long kể: Địa phương miền núi chúng tôi thời tiết khắc nghiệt, mùa khô nắng chang chang, đất nứt nẻ vì khô hạn. Còn mùa mưa, vùng lòng chảo bốn bề là núi này chỉ cần lượng mưa khoảng 50mm là có thể xuất hiện lũ. Vì thế ngày trước, hầu hết đất ở Thuận Bắc chỉ cấy được một mùa. Lại nữa, gần 70% dân Thuận Bắc là đồng bào Jarai quen canh tác theo kiểu truyền thống nên năng suất trồng lúa, trồng mía rất thấp. 3/6 xã trong huyện gồm Bắc Sơn, Phước Kháng, Phước Chiến vẫn đang thuộc diện 135; 2 xã Lợi Hải, Công Hải một nửa số thôn cũng trong diện ấy…

Một góc thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. Ảnh: Duy Quang


Theo ông Nguyễn Phi Long, cái lo lớn nhất của địa phương là nguồn nhân lực có trình độ. Giờ này, Thuận Bắc không thể thống kê được cả huyện có bao nhiêu học sinh đang học hoặc đã tốt nghiệp THPT. Địa phương không có trường THPT, con em phải đi học "nhờ" các nơi. Nhưng phải khẳng định huyện đã cố gắng rất nhiều bằng nguồn lực tại chỗ cùng các nguồn vốn đầu tư. Từ năm 2005 đến nay, các trường mầm non, tiểu học, THCS đã tăng 3 lần (8 trường lên 24 trường). "Để mỗi xã có một trường THCS là điều không đơn giản, nhưng vận động học sinh đến lớp lại càng khó vì nhiều em học hết tiểu học là nghỉ ở nhà phụ giúp gia đình". Ngay đội ngũ cán bộ cơ sở cấp xã, phần nhiều chỉ học hết THCS… Do đó, Thuận Bắc đang tập trung ưu tiên đầu tư cho con người ở mọi phương diện mà cái rõ nhất là sự học. Chỉ có con chữ và vốn kiến thức mới có thể giúp bà con thoát nghèo.

Các cố vấn Mỹ điển hình là tướng Weyand và Tổng tham mưu trưởng quân đội Việt Nam Cộng hòa, Đại tướng Cao Văn Viên đều chung nhận định: Bỏ Nha Trang, Cam Ranh thì bằng mọi giá phải giữ lấy Phan Rang. Có như vậy mới chặn được đường bộ và đường biển của Quân giải phóng.

Công Hải (địa bàn Chi khu quân sự Du Long trước đây) là xã rộng nhất huyện Thuận Bắc, còn dân số thì đứng hàng thứ hai với gần 8.000 người. Dẫn tôi đi thăm 7 chiếc lô cốt là chứng tích còn lại của "lá chắn thép Du Long" nằm ngay sau trụ sở hành chính của xã hoặc nằm lẫn trong các thôn, Chủ tịch UBND xã Đặng Thị Hồng Thanh kể: Từ cuối năm 2005, hệ thống thủy lợi được đầu tư mà cụ thể là hồ Sông Trâu có sức chứa hơn 31 triệu mét khối nước được xây dựng bằng vốn ngân sách, người dân Công Hải đỡ hẳn nỗi lo về nguồn nước tưới, yên tâm chuyển dịch từ đất màu sang trồng mía đường, thuốc lá, đem lại giá trị kinh tế cao. 29% số hộ nghèo trong xã sau khi tách huyện (năm 2005) giờ chỉ còn 9,6%. Nước sạch tới được 6/7 thôn, 100% địa bàn xã có điện và mạng lưới giao thông liên xã, liên thôn được xây dựng giúp bà con đi lại dễ dàng và thuận tiện trong tiêu thụ sản phẩm… Còn trên đường đưa tôi đến nhà chị Chamaléa Thị Nô, Tala Bin - Trưởng thôn Kiền Kiền 2 (xã Lợi Hải) cho biết: "Làng tôi trước là nơi biệt động ngụy đóng đồn dày đặc để bảo vệ Du Long". Ấy là chuyện của 35 năm trước. Còn bây giờ những cánh đồng loang lổ hố bom xưa đã hồi sinh. Ruộng lúa, nương mía, vườn điều xanh ngắt trải dài ngút ngát. Những xóm làng mái tranh vách đất đã sáng bừng ngói mới, tươi rói trong nắng. Những mái trường mới xây ngân vang tiếng trẻ đọc bài. Nổi bật giữa cảnh làng quê yên bình là ngôi nhà hai tầng chị Nô mới xây tới hơn 80 triệu đồng từ tiền trồng điều và chăn nuôi bò. Một ngày không xa, dự án Khu công nghiệp Du Long (được Chính phủ phê duyệt, hiện đang san ủi mặt bằng) chính thức hoạt động, chắc sẽ rất khó nhận ra nơi đây từng là tuyến lửa. Công Hải, Lợi Hải, Thuận Bắc, TP Phan Rang - Tháp Chàm (thị xã Phan Rang trước đây) và cả Ninh Thuận đang vươn mình đánh thức tiềm năng.

Lê Hoàng Anh