Từ gia đình và trong gia đình

Sức khỏe - Ngày đăng : 06:35, 09/04/2010

(HNM) - Trong xã hội đang phát triển, stress cộng với một số thói quen như nghiện game, nghiện ma túy, thuốc lá, rượu và các rối loạn lo âu rất dễ dẫn tới bệnh tâm thần (TT). Vì vậy, thế giới rất quan tâm và coi trọng việc quản lý, chăm sóc, điều trị bệnh TT tại cộng đồng, nhất là vào mùa hè - thời gian có số người bệnh TT nhập viện cao nhất trong năm.

Điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Tâm thần Lê Minh Xuân.


Bệnh tâm thần gia tăng
Đã 3 năm kể từ ngày xảy ra vụ án "Bố hoang tưởng đập chết 2 con" ở huyện Ứng Hòa, nhưng giờ nhắc lại ai nấy đều thương cho 2 sinh linh nhỏ và người đàn ông tội nghiệp. Trong một phút hoang tưởng, cái ảo giác kỳ quái xuất hiện khiến người bố rất mực yêu thương con đã đập chết 2 đứa trẻ bằng chính đôi tay chăm chút con hằng ngày… Ông K. được đưa vào Bệnh viện (BV) Tâm thần Mỹ Đức và khi tỉnh lại, sự thật đau lòng khiến ông sốc mạnh rồi quyên sinh.

Theo bác sỹ Nguyễn Quốc Thắng, Giám đốc BV Tâm thần Mỹ Đức, hằng năm, số bệnh nhân đến khám và điều trị tại BV tăng từ 10-20%. Riêng năm 2009, BV đã khám và điều trị cho hơn 5.000 lượt người, trong đó có 1.000 bệnh nhân điều trị nội trú. Còn tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, năm 2009 số bệnh nhân nhập viện là 3.196 người, tăng gần 30% so với năm trước.

Bác sỹ Chuyên khoa II (CK II) Thân Văn Quang - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I cho biết: Trên thế giới và ở Việt Nam, bệnh TT phân liệt chiếm từ 0,3% đến 1% dân số. Đây là một bệnh lý của não, có những biến đổi sinh học phức tạp, chịu tác động mạnh của môi trường tâm lý xã hội không thuận lợi. Bệnh có thể chữa được hoặc thuyên giảm tốt nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Bệnh TT là loại bệnh rất phổ biến, công nghiệp ngày càng phát triển, sự tập trung dân cư vào các thành phố ngày càng đông, cuộc sống ngày càng căng thẳng thì bệnh TT càng gia tăng. Bệnh TT thường không gây chết đột ngột nhưng làm giảm sút khả năng lao động, học tập, làm đảo lộn sinh hoạt, gây căng thẳng cho các thành viên trong gia đình, tổn thất về kinh tế, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Chữa bệnh tại cộng đồng
Theo bác sỹ CK II Thân Văn Quang, Giám đốc BV Tâm thần Trung ương I, bệnh TT cần được dự phòng, khám chữa sớm, nếu không chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến trạng thái tâm thần sa sút, trầm trọng hơn. Vì vậy, việc phát hiện sớm và chữa bệnh kịp thời có ý nghĩa rất lớn, ngăn chặn được nhiều hậu quả xấu. Nguyên tắc chung trong điều trị các loại bệnh TT là tránh xa kỳ thị, phối hợp giữa thuốc và tâm lý liệu pháp một cách kiên trì, tích cực và toàn diện nhằm mục đích cắt cơn loạn thần, chống tái phát và làm phục hồi chức năng tâm lý xã hội. Vì vậy, liệu pháp tâm lý gia đình được đánh giá rất cao, người nhà cần động viên, khuyến khích và tham gia hỗ trợ điều trị cùng cán bộ y tế sẽ giúp cho bệnh nhân phục hồi tốt. Đó cũng là mục tiêu của dự án "Bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng" (BVSKTTCĐ) theo mô hình: Năng suất, chất lượng, hiệu quả, tiến bộ và hiện đại toàn diện, đang được thực hiện khá tốt nhiều năm nay.

Bác sỹ Thân Thái Phong, Phó Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Tâm thần Trung ương I cho biết, đến nay dự án đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành với 7.018/10.997 xã, phường (đạt 63,8%). Các chỉ tiêu chuyên môn đều đạt và vượt kế hoạch giao: 145.160 bệnh nhân được quản lý (đạt 44%); có 99.136 bệnh nhân đã ổn định (đạt 69%). Điều khả quan là, dự án đã đạt được một số chỉ tiêu có ý nghĩa như giảm các hành vi gây rối xuống dưới 15%; giảm gây nguy hại xuống dưới 10%; giảm tỷ lệ mạn tính, tàn phế xuống dưới 20%. Thực tế cho thấy mô hình chăm sóc SKTT tại cộng đồng có hiệu quả kinh tế rất lớn, người bệnh có thuốc điều trị tại nhà, người thân không tốn tiền đi lại chăm sóc. Một bệnh nhân điều trị theo dự án chỉ hết khoảng 150.000 đồng/năm, trong khi 1 giường bệnh tuyến trung ương phải chi 50 triệu đồng, tuyến tỉnh là 15-30 triệu đồng/năm.

Theo BS Phong, hiệu quả rất lớn không thể đo đếm được mà dự án đã đạt được đó là nhận thức của các cấp chính quyền và người dân về SKTT đã được nâng lên đáng kể. Năm 2010, ngoài các địa bàn đã thực hiện, dự án sẽ được triển khai mới ở 665 xã, tiếp tục tập trung vào quản lý, điều trị và chăm sóc bệnh nhân TT phân liệt với nhiều hoạt động giáo dục truyền thông, xây dựng mạng lưới, đào tạo, tập huấn cán bộ. Đồng thời dự án sẽ chính thức triển khai mô hình này đối với 2 bệnh nặng thường gặp là trầm cảm và động kinh. Điều đáng quan tâm là dự án cần được cấp đủ kinh phí, thực tế 4 năm gần đây mới chỉ đạt 56% kế hoạch.

Vân Nga