Đảo chính tại Cưrơgưxtan: Một kết cục được báo trước

Thế giới - Ngày đăng : 05:42, 09/04/2010

(HNM) - Khi lên nắm quyền nhờ cuộc Cách mạng hoa Tuylíp, hẳn Tổng thống Cuamanbếch Bakiép không thể ngờ rằng 5 năm sau phải nếm trải

Người biểu tình tấn công lực lượng an ninh tại thủ đô Biskếch.


Ngày 8-4, chỉ 2 ngày sau cuộc chính biến chớp nhoáng, trong một tuyên bố trên đài phát thanh, phe đối lập ở Cưrơgưxtan khẳng định, chính quyền của Tổng thống C.Bakiép đã sụp đổ, Quốc hội đã bị giải tán. Hiện tại phe đối lập nhận trách nhiệm thực hiện chức năng của Tổng thống và Hội đồng Bộ trưởng. Chính phủ lâm thời Cưrơgưxtan sẽ do cựu Ngoại trưởng Rôda Ôtunbayêva, đồng thời là lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội làm Chủ tịch. Bà Rôda Ôtunbayépva ngay lập tức kêu gọi Tổng thống Cuamanbếch Bakiép từ chức và cho biết bà sẽ "điều hành" Chính phủ 6 tháng trong khi chờ soạn thảo một hiến pháp mới và tiến hành bầu cử tổng thống. Trước đó, Thủ tướng Đania Uxênốp đã ký đơn từ chức. Chính phủ lâm thời cũng đã ra lệnh cấm tất cả các quan chức cấp cao trong Chính phủ của Tổng thống Cuamanbếch Bakiép ra nước ngoài. Theo thông báo của phe đối lập, toàn bộ lực lượng vũ trang và biên phòng đã nằm dưới quyền chỉ huy của Chính phủ lâm thời Cưrơgưxtan.

Cùng ngày, thủ lĩnh phe đối lập Cưrơgưxtan, cựu Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Thư ký Hội đồng An ninh, Tướng Ixmain Ixacốp - hiện đang bị tù 8 năm vì tội tham nhũng - đã được thả khỏi trại giam. Phe đối lập cho rằng, việc kết tội ông Ixacốp là "một mưu đồ chính trị".

Các nguồn tin từ Biskếch cho biết, "người hùng" Cách mạng hoa Tuylíp đã rời thủ đô Biskếch đi Ôsơ, nhưng sau lại chuyển tới tỉnh lỵ Gialan-Abát nhằm tập hợp lực lượng từ miền Nam để chống lại phe đối lập. Trong khi đó, Mácxim Bakiép, con trai của Tổng thống Bakiép, hiện là Giám đốc Cơ quan Trung ương về phát triển, đầu tư và sáng chế, đã cùng Ngoại trưởng Cưrơgưxtan Cađưrơbếch Xácbaiép, bay tới Oasinhtơn gặp đại diện Bộ Ngoại giao và Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ.

Xung đột trong 48 giờ qua tại Cưrơgưxtan đã gây thương vong lớn. Theo số liệu do Bộ Y tế nước này công bố (ngày 8-4), có ít nhất 75 người tử vong và hơn 1.000 người bị thương. Tuy nhiên, một thủ lĩnh phe đối lập cho rằng số người thiệt mạng lên tới 100 người.

Trong một diễn biến liên quan, phát biểu tại Xmôlenxcơ tối 7-4, Thủ tướng Nga Vlađimia Putin đã khẳng định LB Nga và toàn bộ quan chức các cấp của Nga đều không liên quan đến các sự kiện đang diễn ra tại Cưrơgưxtan. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh một số nguồn tin cho rằng, "có bàn tay của Mátxcơva trong các sự kiện tại Cưrơgưxtan". Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki Mun cho biết, ông cảm thấy bị "sốc" về sự thiệt hại nhân mạng trong cuộc đảo chính.

Cuộc đảo chính được xem là đỉnh điểm những bất đồng liên miên giữa phe đối lập và Tổng thống C.Bakiép. Ngay sau khi ông lên nắm quyền vào năm 2005 trong một cuộc bầu cử mà phương Tây đánh giá là dân chủ và công bằng nhất trong số các quốc gia tách ra từ Liên Xô cũ, nhiều cuộc biểu tình đòi Tổng thống từ chức đã diễn ra. Những lời cáo buộc tham nhũng và quá trình cải cách Hiến pháp với tốc độ rùa bò luôn là yếu tố đe dọa chiếc ghế tổng thống.

Kết quả của cuộc cách mạng đem lại "thắng lợi công lý" như Tổng thống C.Bakiép từng mô tả, là bức tranh kinh tế ảm đạm, nợ nước ngoài lên đến hàng tỷ USD, lạm phát hơn 20%, hàng loạt vụ ám sát được cho là vì mục đích chính trị xảy ra... Tóm lại, không có ổn định chính trị, không có tăng trưởng kinh tế, cũng không có những thay đổi mà người nghèo nước này từng hy vọng. Đây cũng là điểm chung ở những nước có cách mạng sắc màu "tràn qua" như Ucraina, Grudia.

Cuộc chính biến tại quốc gia hơn 5 triệu dân này được cho là hệ lụy từ những 'thành quả" của cuộc Cách mạng hoa Tuylíp trong xã hội đối với chính quyền của Tổng thống Bakiép suốt 5 năm qua. Có điều, khác với những gì diễn ra ở Ucraina, người dân Cưrơgưxtan đã không thể kiên nhẫn chờ đợi một cuộc bầu cử mới để lựa chọn người lãnh đạo mà họ cho là xứng đáng bằng lá phiếu. Dư luận từ Trung Á cho rằng cuộc đảo chính tại Cưrơgưxtan là một kết cục được báo trước của làn sóng cách mạng sắc màu từng làm khuynh đảo không gian "hậu Xô Viết" trong những năm đầu thế kỷ XXI.

Quỳnh Chi