Giảm mặt bằng lãi suất: Vẫn trông chờ vào ngân hàng
Kinh tế - Ngày đăng : 06:47, 08/04/2010
Giao dịch với khách hàng tại Ngân hàng TMCP Đông Nam Á. Ảnh: Bảo Kha |
Doanh nghiệp than khó, người dân lắc đầu
Thời gian gần đây, một trong những vấn đề thu hút dư luận là lãi suất, bởi lãi suất cho vay thỏa thuận của NH đối với DN lên tới 17-18%, thậm chí 19-20%/năm. Mức lãi suất này đồng nghĩa với việc DN sẽ phải thu lợi nhuận từ 30% trở lên mới duy trì được hoạt động. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu chưa thực sự thoát khỏi khủng hoảng, kinh tế trong nước còn gặp nhiều khó khăn, số DN thu được lợi nhuận vượt 30% chắc chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Vì vậy, hầu hết DN đều lắc đầu với mức lãi suất "ngất ngưởng" đó.
Vẫn biết NH cũng có cái khó vì thời gian gần đây, việc thu hút nguồn vốn không dễ. Thị trường bất động sản ảm đạm, thị trường chứng khoán hồi phục đã "hút" một lượng vốn không nhỏ. Hơn nữa, theo nhiều người dân, mức lãi suất huy động của NH chưa đủ hấp dẫn người gửi tiền. Mặc dù các NH đã "lách" trần lãi suất huy động theo quy định của NHNN bằng cách đưa ra nhiều hình thức khuyến mãi cộng với lãi suất cao nhất là 10,49%/năm, nhưng vẫn khó huy động. Lãi suất huy động tăng cao đã kéo lãi suất cho vay lên mức ngất ngưởng. Nhiều DN phải chấp nhận vay ở mức 16-17%/năm, thậm chí 19-20%/năm, còn cá nhân vay tiêu dùng đã lên tới 21%/năm. Song ngay cả khi chấp nhận mức lãi suất đó thì để có thể vay vốn cũng không phải đơn giản, bởi hầu hết NH đều đưa ra những điều kiện ngặt nghèo.
Nhiều DN đành lắc đầu với việc vay vốn để mở rộng kinh doanh vì lãi suất quá cao. Giám đốc một công ty xây dựng ở Hà Nội cho hay, mức lãi suất quá cao nên ít có DN nào dám vay vốn kinh doanh dài hạn. Nếu không điều chỉnh lãi suất, chắc chắn nhiều DN sẽ điêu đứng.
Lãi suất cho vay sẽ giảm?
Ngày 6-4, Chính phủ ban hành Nghị quyết 18/NQ-CP về 6 giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% trong năm 2010. Một trong những giải pháp được đề cập đến là bảo đảm ổn định, an toàn của hệ thống tài chính - ngân hàng. Cụ thể, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng; bảo đảm tốc độ tăng trưởng tín dụng khoảng 25% và tổng phương tiện thanh toán khoảng 20%. Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn các NHTM thực hiện cho vay theo cơ chế lãi suất thỏa thuận đối với dự án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả theo nghị quyết của Quốc hội. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi để DN, tổ chức, cá nhân, nhất là khu vực nông nghiệp nông thôn, DN xuất khẩu, DN nhỏ và vừa vay được vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng, NHTM nhà nước tiết kiệm chi phí hoạt động, giảm lãi suất cho vay đến mức thị trường chấp nhận được.
Mới đây, trong buổi làm việc với các NHTM ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu khẳng định, NHNN sẽ triển khai các biện pháp hỗ trợ như hạ lãi suất trên thị trường mở, duy trì lãi suất thấp trên thị trường liên NH với kỳ hạn ngắn. NHNN sẽ nghiên cứu hỗ trợ cho các NH nhỏ, gặp khó về thanh khoản. Ngay sau đó, NHNN đã có động thái nhằm hỗ trợ trong việc giảm lãi suất cho vay và tăng tính thanh khoản bằng cách xuất hơn 10 nghìn tỷ đồng kỳ hạn 28 ngày và 7 ngày lãi suất từ 7,5%-8%/năm, nhằm tăng thêm vốn cho các NHTM. NHNN đã tăng thêm phiên giao dịch thông qua nghiệp vụ thị trường mở lên 2 phiên/ngày (buổi sáng và buổi chiều), phiên buổi sáng cho kỳ hạn 28 ngày và phiên buổi chiều cho kỳ hạn 7 ngày. Động thái này đã giúp lãi suất qua đêm trên thị trường liên NH giảm xuống còn khoảng 7%/năm, thay vì mức bình quân tuần trước đó là 7,4%/năm. Những diễn biến này cho thấy khả năng giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới là hoàn toàn có thể.