Chọn phương án tối ưu nhất cho chiến lược phát triển Thủ đô

Chính trị - Ngày đăng : 06:13, 08/04/2010

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị: Quy hoạch chiến lược phải thể hiện được những yêu cầu chung cũng như đặc thù của Thủ đô trong giai đoạn mới. (HNM) - Ngày 7-4, Hội nghị lần thứ 19 BCH Đảng bộ TP Hà Nội đã khai mạc dưới sự chủ trì của Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị.

* Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị: Quy hoạch chiến lược phải thể hiện được những yêu cầu chung cũng như đặc thù của Thủ đô trong giai đoạn mới
(HNM) - Ngày 7-4, Hội nghị lần thứ 19 BCH Đảng bộ TP Hà Nội đã khai mạc dưới sự chủ trì của Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị.

Hội nghị tập trung thảo luận các nội dung: Dự thảo Chiến lược phát triển KT-XH TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH TP Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Dự thảo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; công tác cán bộ… Trong ngày làm việc đầu tiên, khi thảo luận, bên cạnh việc đánh giá cao các bản dự thảo (đã được chỉnh sửa nhiều lần) các đại biểu đã đóng góp thêm nhiều ý kiến ở các góc độ khác nhau để tăng tính khả thi các đề án.

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Bá Hoạt


Băn khoăn bài toán nhân lực
Đề cập đến nguồn lực con người, ông Lê Văn Hoạt, Bí thư Huyện ủy Mê Linh nêu quan điểm: Chúng ta đang cần nhân lực chất lượng cao cho phát triển hơn bao giờ hết, nên cần hạn chế xuất khẩu lao động chất lượng cao. Cùng đề cập đến vấn đề nhân lực, ông Nguyễn Xuân Chính, Trưởng BQL các khu công nghiệp - khu chế xuất TP nói: "Với lợi thế hiện nay, Hà Nội có điều kiện và cơ sở để phát triển nguồn nhân lực phục vụ các mục tiêu phát triển, nhưng vấn đề là phải tạo dựng cơ chế, chính sách để tổ chức đào tạo, những thứ mà hiện nay còn hạn chế".

Bí thư Quận ủy Hà Đông Lê Hồng Thăng cho rằng, nâng cao năng lực lãnh đạo của các cơ quan quản lý là mấu chốt để phát triển trong tương lai. Vì thế, TP cần mạnh dạn định hướng đào tạo cán bộ có nguồn chất lượng cao mới có thể đáp ứng được các mục tiêu phát triển: "Luận án tiến sĩ (bảo vệ ở nước ngoài) của phó chủ tịch một TP nước bạn là xây dựng cảng nước sâu lớn nhất thế giới. Sau khi về nước, chính tay vị cán bộ này đã biến luận án thành hiện thực. Chúng ta cần mạnh dạn học tập kinh nghiệm của họ, đưa cán bộ đi đào tạo bài bản để có cán bộ giỏi phục vụ hướng đến tương lai phát triển".

Đồng quan điểm với ông Thăng, Phó Chủ tịch UB MTTQ TP Bùi Xuân Hộ nhấn mạnh: "Đội ngũ cán bộ từ cấp xã đến cấp huyện của chúng ta hiện nay chưa hoàn toàn yên tâm. Từ nay đến năm 2020 chúng ta phải mạnh dạn đầu tư cho con người". Theo ông, Hà Nội có nguồn lực phát triển khoa học rất lớn, nhưng chưa tận dụng được hết. Muốn có nhiều người tài, phải có cơ chế, chính sách và quan điểm đổi mới mạnh mẽ" - ông nói.

"Không nên cứ trông chờ vào đất"

Từ nay đến năm 2020, Hà Nội cần 160 tỷ USD đầu tư cho phát triển

Các cơ quan lập Chiến lược và Quy hoạch phát triển KT-XH Thủ đô dự kiến nhu cầu đầu tư toàn xã hội của Hà Nội là 60 tỷ USD vào thời kỳ 2011-2015 và khoảng 97-98 tỷ USD vào thời kỳ 2016-2020. Biện pháp huy động vốn được phân chia theo tỷ lệ: vốn từ doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm 48%, vốn đầu tư từ ngân sách sẽ đáp ứng khoảng 16%, vốn từ doanh nghiệp nhà nước chiếm 9-12%... Các cơ quan này cũng tính toán, quy mô dân số của Hà Nội đạt 8 triệu người vào năm 2020, tỷ lệ đô thị hóa đạt 54%; đạt 9 triệu người vào năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa đạt đến 70%. Tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước hằng năm đạt 9-10%, vào thời kỳ 2011-2020 và 7,5%-8,5% vào thời kỳ 2021-2030. GDP bình quân đầu người đạt đến 5.300 USD vào năm 2020 và 12.000 USD vào năm 2030.

Cho rằng Dự thảo Chiến lược phát triển KT-XH chưa đề xuất được những giải pháp đột phá huy động các nguồn lực phát triển, ông Lê Văn Hoạt, Bí thư Huyện ủy Mê Linh nói: "Về vốn, dự thảo mới chỉ phân chia giữa Nhà nước với các thành phần khác mà chưa chỉ ra được giải pháp tạo vốn một cách rõ ràng". Theo ông, cần "thổi" vào trong mục tiêu, giải pháp của Chiến lược phát triển KT-XH và Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH một tinh thần mới, mang hơi thở của thời đại. Trong đó cần nâng cao vai trò của nguồn vốn xã hội hóa. Gần với quan điểm này, Bí thư Quận ủy Long Biên Trần Văn Thanh đề xuất nên xếp nguồn vốn xã hội hóa lên hàng đầu trong các biện pháp tạo vốn.

Trong khi đó, ông Bùi Xuân Hộ nhận định, cả 4 nguồn lực đất đai, con người, vốn và công nghệ trình bày chưa rõ trong dự thảo chiến lược và quy hoạch. Riêng về đất đai, ông cho rằng, cần phải làm rõ có bao nhiêu vùng phát triển nông nghiệp, công nghiệp công nghệ cao. Theo ông, Hà Nội không nên quá trông chờ vào đất đai trong phương án tạo vốn đầu tư phát triển: "Đất đai sử dụng nhiều sẽ hết. Thay vào đó, Hà Nội phải đẩy mạnh sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa để tạo vốn".

Lạc quan về tương lai thu hút các nguồn vốn nước ngoài, ông Nguyễn Xuân Chính, Trưởng BQL các khu công nghiệp - khu chế xuất cho biết: "Các tập đoàn lớn đang có xu hướng đầu tư mạnh vào Việt Nam. Hà Nội cần chuẩn bị điều kiện để tận dụng cơ hội". Ông Chính cũng nhấn mạnh đến lợi thế mà hơn 1.000 làng nghề đang tạo ra cho TP, nên TP cần định hướng thúc đẩy phát triển làng nghề bên cạnh việc khắc phục những mặt trái của nó.

Việc xác định nguồn lực phát triển có liên quan mật thiết đến mục tiêu, định hướng, đánh giá hiện trạng và lợi thế so sánh. Tuy nhiên, một số đại biểu vẫn còn băn khoăn vì một vài nội dung trên trong chiến lược và quy hoạch. Ông Triệu Đình Phúc, Bí thư Huyện ủy Thanh Trì cho rằng: "Cần làm sâu hơn về vấn đề môi trường, văn hóa đặc trưng và phát triển con người". Theo ông, bên cạnh quan điểm phát triển nhanh - bền vững, hạ tầng đi trước một bước, Hà Nội cần phải xác định nét đặc trưng để tạo động lực phát triển là "Cây xanh - mặt nước - văn hóa". Một số đại biểu bày tỏ đồng tình với quan điểm này, đồng thời nhận định rằng, đây chính là nguồn lực, là lợi thế Hà Nội nên khai thác và tận dụng.

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị: Phải xác định bước đi phù hợp cho từng giai đoạn phát triển
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị vui mừng thông báo kết quả phục hồi kinh tế Thủ đô trong quý I-2010 với tăng trưởng GDP đạt khoảng 8,7%, thu ngân sách đạt 31% kế hoạch năm, vốn đầu tư xã hội tăng 9,1%... Nhấn mạnh nhiệm vụ từ nay đến cuối năm là rất nặng nề, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị yêu cầu Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô cần quyết tâm hơn nữa để hoàn thành kế hoạch năm 2010, làm động lực cho phát triển những năm tới. Đồng thời, TP cần nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành với tinh thần: Tập trung, kiên quyết, dứt điểm, năng động, sáng tạo, hiệu quả.
Về Chiến lược phát triển KT-XH, Bí thư Thành ủy cho rằng: "Chiến lược phát triển Thủ đô phải xác định được những định hướng phù hợp nhất, khả thi nhất; kế thừa và phát huy bản sắc và tiềm năng, thế mạnh các vùng miền của Thủ đô mở rộng, đồng thời cần xác định các bước đi cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển". Khẳng định Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH là bước cụ thể hóa chiến lược, Bí thư Thành ủy nêu quan điểm: "Quy hoạch phải thể hiện được những yêu cầu chung cũng như những yêu cầu xuất phát từ đặc thù của Thủ đô Hà Nội: vị trí đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học, kinh tế và giao lưu quốc tế; là TP vừa có đô thị lớn, vừa có vùng nông thôn rộng lớn, đa dạng về văn hóa...".

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo: Chất lượng phải đi đôi với tính khả thi
Trao đổi bên lề hội nghị về mong muốn hoàn tất hai Đề án Chiến lược và Quy hoạch phát triển KT-XH Thủ đô đúng dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo khẳng định: Việc xây dựng các đề án theo cơ chế mở. TP sẽ tiếp thu tất cả những ý kiến đóng góp xây dựng của đa dạng tổ chức, cá nhân, từ đó lựa chọn ra phương án, định hướng tối ưu nhất. Chất lượng phải đi đôi với tính khả thi và đây là yêu cầu hàng đầu, là phương châm xem xét các đề án này.

Quốc Bình