Biện pháp phòng, trừ bệnh lùn sọc đen hại lúa
Kinh tế - Ngày đăng : 16:53, 07/04/2010
Cây lúa mắc bệnh thường thấp lùn, nảy chồi, mọc nhiều sẽ bất định ở đốt thân. |
Trước tình hình bệnh lùn sọc đen hại lúa phát sinh tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước và đang có diễn biến phức tạp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã sớm ban hành Thông tư hướng dẫn biện pháp phòng trừ căn bệnh nguy hiểm gây hại cho nông nghiệp.
Bắt bệnh cây lúa
Tác nhân gây bệnh lùn sọc đen hại lúa là vi rút lùn sọc đen phương Nam (Southern Rice Black Streaked Dwarf Virus - SRBSDV) thuộc nhóm Fijivirus-2, họ Reoviridae và rầy lưng trắng (Sogatella furcifera) là môi giới lây truyền vi rút này.
Cây lúa bị bệnh có triệu chứng chung là thấp lùn, lá xanh đậm hơn bình thường. Lá lúa bị bệnh có thể xoăn ở đầu lá hoặc toàn bộ lá. Gân lá ở mặt sau bị sưng lên. Khi cây còn non gân chính trên bẹ lá cũng bị sưng phồng.
Từ giai đoạn làm đòng và khi lúa có lóng, cây bị bệnh thường nảy chồi trên đốt thân và mọc nhiều rễ bất định. Trên bẹ và lóng thân xuất hiện nhiều u sáp và sọc đen. Bị bệnh nặng cây lúa không trổ bông được hoặc trỗ bông không thoát và hạt thường bị đen.
Biện pháp phòng bệnh
Liên tục trong những ngày qua, Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt về vấn đề phòng, trừ bệnh lùn sọc đen hại lúa, trực tiếp là đối với các địa phương từ Quảng Ngãi trở ra. Tỉnh Thái Bình, hôm 5/4, đã được Chính phủ quyết định hỗ trợ 56 tấn thuốc các loại để phòng, chống dịch bệnh hại lúa. Đây là 1 trong những tỉnh có tình hình bệnh lùn sọc đen trên lúa Đông Xuân đang diễn biến phức tạp. |
Để ngăn chặn căn bệnh này, theo Thông tư, bà con nông dân có thể áp dụng một số biện pháp phòng bệnh như vệ sinh đồng ruộng bằng cách cày vùi gốc rạ để diệt lúa chét, lúa tái sinh, dọn sạch cỏ bờ ruộng, mương dẫn nước, đốt dọn tàn dư thực vật từ cây ngô hoặc bảo vệ mạ bằng cách thực hiện gieo mạ có che ny lông để kết hợp chắn rầy với chống rét trong vụ Đông Xuân.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo nông dân không gieo mạ ở những ruộng vụ trước có bệnh. Ở những địa bàn vụ trước lúa bị bệnh lùn sọc đen, xử lý hạt giống bằng thuốc hóa học hoặc sinh học để tạo sức đề kháng của cây mạ đối với rầy và tiến hành phun thuốc trừ rầy cho mạ, dùng thuốc nội hấp.
Biện pháp trừ bệnh
Thông tư hướng dẫn cụ thể một số biện pháp trừ bệnh. Đó là, khi lúa ở giai đoạn từ gieo cấy - đứng cái xuất hiện bệnh, bà con cần nhổ, vùi những cây lúa bị bệnh, cấy dặm cây lúa khỏe. Phun thuốc trừ rầy bằng loại thuốc nội hấp trên ruộng bị bệnh và những ruộng xung quanh. Chăm sóc để cây lúa mau chóng phục hồi: bón cân đối N-P-K, lưu ý không bón thừa đạm; khi lúa chưa phục hồi ra lá mới, chỉ nên bón lân và kali.
Trong giai đoạn lúa từ phân hóa đòng trở đi, cần thường xuyên quan sát kỹ ruộng bị bệnh lùn sọc đen để phát hiện rầy lưng trắng, khi phát hiện có rầy lưng trắng tiến hành ngay phun thuốc trừ rầy ở ruộng đó và các ruộng xung quanh, sử dụng loại thuốc theo thời kỳ sinh trưởng của cây lúa. Giai đoạn lúa phân hóa đòng - trỗ dùng thuốc trừ rầy nội hấp hoặc thuốc trừ rầy tiếp xúc, hoặc kết hợp.
Việc tiêu hủy cả ruộng lúa bị bệnh chỉ thực hiện khi ruộng lúa không còn khả năng cho năng suất (nhiễm nặng, khó phục hồi được). Trước khi tiêu hủy phun thuốc trừ rầy bằng loại thuốc tiếp xúc. Tiêu hủy và tiến hành cấy, gieo thẳng lại nếu còn thời vụ, nếu hết thời vụ trồng cây khác (ngoại trừ ngô) thay lúa nếu điều kiện cho phép.
Chiều 5/4, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo phòng trừ bệnh lùn sọc đen hại lúa các tỉnh, thành phố từ Quảng Ngãi trở ra đã họp đánh giá tình hình dịch và bàn biện pháp bảo vệ lúa xuân. Theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật, trong tuần (từ 29/3 đến 5/4) đã phát sinh thêm gần 800 ha lúa nhiễm bệnh lùn sọc đen tại các địa phương, trong đó Ninh Bình nhiễm nhiều nhất, gần 440 ha. Tính đến ngày 4/4, bệnh lùn sọc đen hại lúa đã phát sinh tại 25 tỉnh, thành phố (thêm tỉnh Điện Biên), với diện tích nhiễm hơn 21.584 ha. Các địa phương đã xử lý hơn 18.022 ha lúa nhiễm bệnh và phun thuốc trừ rầy hơn 150.000ha. |