Trưởng ban GQKN Chu Hồng Thanh: Tôi chỉ làm theo luật
Xã hội - Ngày đăng : 16:21, 07/04/2010
Trưởng Ban KL Hải Hường có thực sự bị “việt vị” hay cũng chỉ là “nạn nhân”. |
* Thưa ông, ông có thể cho biết ý kiến của mình sau khi đọc lá thư ngỏ của ông Nguyễn Sỹ Cương (Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ, Thành viên Ban KL VFF) trên TT&VH số báo ngày hôm qua (6/4)?
- Tôi không có ý kiến gì là bởi vì cứ đúng luật mà làm thôi. Ban GQKN thì làm rất đúng luật và trong bài đó thì họ nêu ý kiến cá nhân thôi, mà đã là ý kiến cá nhân thì không cần thiết phải đưa ra tranh luận.
* Nhưng rõ ràng là 2 ban đã đưa ra mức án quá khác nhau nên đã dẫn tới sự tranh cãi. Ông có nghĩ như vậy không?
- Chỉ vì cần áp dụng điều khoản khác nhau cho hợp lý hơn.
* Vậy còn trường hợp của Danh Ngọc thì sao? Cầu thủ này cũng có hành vi khiếm nhã với CĐV, nhưng phải chịu án treo giò tới 4 trận mới được giảm án. Ông có biết vụ việc này?
- Không, tôi không biết, vì tôi xem xét vụ nào là riêng vụ đó, xem xét riêng hành vi nào là hành vi đó. Còn trường hợp của Danh Ngọc thì cần phải xem xét cụ thể, xem trận đấu đó làm sao mà kỷ luật cụ thể mới có thể so sánh được, chứ không thể so sánh tuỳ tiện.
* Nhưng điều đáng nói là Công Vinh chưa thụ án được một ngày nào đã có quyết định giảm án, như vậy có phải là quá nhanh?
- Không phải nhanh quá mà theo đúng quy định, những vụ như thế này thì cứ sau 3 ngày thì khiếu nại, mà nếu đã khiếu nại theo đúng trình tự thì phải xem xét nhanh đúng theo quy chế cho người ta. Kéo dài làm gì? Xem xét khẩn trương thì mới hợp lý. Nếu kéo dài thì làm sao bảo đảm được tiến độ của giải đấu cũng như mong muốn của khán giả?
* Theo như báo đã đăng, Chủ tịch HĐTT Nguyễn Văn Mùi đã nói rằng phán quyết của ban GQKN là không đúng, vì hành vi của Công Vinh không thể là lỗi phản ứng trọng tài, nhưng vì Quy định Kỷ luật của VFF có kẽ hở nên mới có chuyện như thế. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Ý kiến cá nhân thì có thể bình luận tuỳ thích, tự do ngôn luận thì báo chí cứ đưa thôi, nhưng ở đây thì làm việc tập thể. Theo đúng quy chế thì chúng tôi đã thành lập một Uỷ ban trọng tài để xem xét riêng vụ này và sau đó đã thảo luận rất kỹ, xem đầy đủ các báo cáo và xem lại cả diễn biến trận đấu. Danh sách các thành viên của Uỷ ban trọng tài đã được tôi trình cho tất cả các bên xem xét, có cả Ban KL, và theo đúng Quy chế, sau 5 ngày không thấy ai có ý kiến thì chúng tôi bắt tay vào việc thôi. Nếu xử theo Điều 39 thì là áp dụng mức sàn, nhưng nếu xử theo Điều 62 thì cao hơn cả mức sàn, kể cả mức tiền phạt cũng như số trận bị treo giò. Cho nên tôi không nghĩ là giảm án, mà hành vi ấy cần được xử lý một cách công minh để bảo đảm kỷ luật của bóng đá.
* Dù gì thì với phán quyết của mình, ban GQKN đã gián tiếp nói rằng Ban KL đã sai. Cùng là người một nhà, ông có cảm thấy khó khăn khi làm chuyện như vậy?
- Không, vì đã có trí tuệ tập thể và căn cứ vào quy định của luật, căn cứ vào Quy chế để áp án.
* Nhưng từ một hành vi thiếu văn hoá chuyển thành lỗi phản ứng trọng tài thì có xử vượt sàn cũng có thể bị hiểu là nhẹ tay?
- Là hành vi gì đi nữa thì nếu đặt ở Mục 1 chương 3 thì nó phải có nguy cơ dẫn tới xung đột bạo lực và xúc phạm thân thể trọng tài thì mới đưa vào Điều 39 được. Nếu hành vi ấy là giơ nắm đấm hoặc giương mặt và 2 bên rất căng với nhau, chuẩn bị đánh nhau hoặc chưa đánh nhau mà có thể dẫn tới xung đột thì mới có thể gọi là hành vi thiếu văn hoá, khiếm nhã, có thể dẫn tới xúc phạm thân thể trọng tài.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.