"Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An"
Xã hội - Ngày đăng : 14:01, 07/04/2010
Cho đến nay, ông đã xuất bản hàng chục tập tùy bút, đoản văn về Hà Nội, với số lượng lên đến cả ngàn bài. Hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, chúng tôi đã có dịp trò chuyện với ông xoay quanh chủ đề nét thanh lịch của người Hà Nội.
Thưa nhà văn Băng Sơn, nếu nói về phong thái, cốt cách người Hà Nội, người ta thường nghĩ ngay đến câu ca: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Với tư cách là một người yêu Hà Nội, ông có suy nghĩ gì về câu ca này?
Nhà văn Băng Sơn: Câu ca này có ý nhấn mạnh tính chất phồn hoa chốn kinh đô, cũng như ca ngợi tính cách thanh lịch của người Hà Nội.
May mắn cho chúng ta có một Hà Nội và may mắn hơn nữa là Hà Nội luôn chan chứa những tinh hoa văn hiến trải suốt chiều dài lịch sử.
Nói về mặt ngôn ngữ, một ngôn ngữ giàu âm sắc như một giai điệu, ngữ nghĩa phong phú, có thể lấy làm mẫu mực cho cả nước thì đó là ngôn ngữ Hà Nội.
Nói về ẩm thực, Hà Nội đã tinh lọc lấy tinh hoa của trăm nghìn địa phương, để có chất tinh túy nhất, lấy cái hồn thơm thảo, đắm sâu.
Khắp đất nước Việt Nam, chỗ nào mà chẳng có cây lúa, hạt thóc, nhưng sao chỉ có làng Vòng ở Hà Nội mới làm ra hạt cốm ảo mờ một màu xanh huyền hoặc và một hương thơm như gom cả bầu trời mùa thu vào lòng mình.
Thứ cốm Vòng ấy mỗi năm chỉ ăn một lần để ta bay lên cùng non nước mùa thu có trăng ngần và heo may gió thoảng.
Và cũng từ hạt cốm có màu ngọc bích ấy, người làng Yên Ninh mới nghĩ ra được thứ bánh cốm bọc trong lá chuối biếc xanh được buộc bằng sợi lạt đỏ như mối lương duyên nồng nàn - bánh cốm Hàng Than.
Cách mặc từ nhiều thế kỷ trước chỉ có Hà Nội mới tài hoa và tinh tế đến thế. Hai họa sĩ Lê Phổ và Cát Tường đã có công cải tiến tấm áo dài cổ truyền, đến nay trở thành quốc phục của phụ nữ Việt Nam.
Trong nhiều cuộc thi sắc đẹp thế giới có Hoa hậu Việt Nam tham dự, áo dài của phụ nữ Việt Nam luôn luôn được Ban giám khảo và công chúng bình chọn là một trong những loại trang phục dân tộc đẹp nhất.
Nhưng đó là một thời. Sự chuyển biến tiếp nối của các thế hệ cũng đã bao hàm sự thay đổi. Theo ông, người Hà Nội đã có những thay đổi gì trong văn hóa, lối sống?
Nhà văn Băng Sơn: Theo thời gian, nhất là trong quá trình đô thị hóa, văn hóa, lối sống của người Hà Nội cũng có những thay đổi. Có cái thay đổi theo chiều hướng tích cực, có cái thay đổi không tích cực.
Ví dụ như sang thế kỷ XXI, chiếc váy đầm đã trở nên phổ biến ở Hà Nội. Chỉ cần ngắn thêm một chút, trơn hay thêu thùa, đều được may cắt hợp riêng với từng người mà rất lịch sự, nền nã, đoan trang, kín đáo, lộ ra vẻ duyên dáng riêng biệt của phụ nữ Hà Nội.
Chiếc càvạt trên cổ đàn ông lâu nay đã phổ biến. Đàn ông Hà Nội không tùy tiện, chọn màu không quá sặc sỡ, mà hài hòa với sơmi và áo ngoài.
Người Hà Nội trước đây hưởng thụ văn hóa không nhiều. Chỉ có mấy cái rạp hát đỏ đèn cả 365 đêm, nhất là mồng Một, mồng Hai Tết. Lúc bấy giờ có tục “bói tuồng”, không biết nội dung vở diễn là gì, mọi người vẫn cứ mua vé vào rạp để xem vở đó có đem lại may mắn cho mình không?
Ở Hà Nội bây giờ có nhiều phương tiện giải trí, đặc biệt là truyền hình. Nằm nhà mà biết cả thế giới quanh ta. Thế nhưng, không hiểu sao lối ứng xử của người Hà Nội nay không còn được như trước nữa.
Vậy theo ông, chúng ta cần làm gì để gìn giữ văn hóa, lối sống thanh lịch của người Hà Nội?
Nhà văn Băng Sơn: Cho đến nay, cư dân Hà Nội có sự thay đổi về cơ bản. Người Hà Nội gốc có lẽ chỉ còn vài phần trăm. Bất cứ ai sống ở Hà Nội, nói như nhà văn Tô Hoài thì đều được gọi là người Hà Nội.
Nhìn nhận như thế để thấy rằng, chất hào hoa, thanh lịch ấy đã được sàng lọc, gìn giữ trải qua cả ngàn năm. Cho nên, khi nói đến văn hóa, lối sống của người Hà Nội là chúng ta nói đến những gì thuộc về tinh hoa, quý báu của Thăng Long xưa.
Chúng ta cần gìn giữ nét thanh lịch của người Hà Nội từ cách giao tiếp, cách ăn, cách mặc đến cách hưởng thụ nghệ thuật sao cho có văn hóa, mặc dù nó không thể trở thành luật được.
Tôi luôn mong muốn những nét đẹp trong văn hóa, lối sống của người Hà Nội được gìn giữ để khi nói đến văn hóa Thăng Long thì ai cũng đều phải trầm trồ, khen ngợi.
Xin chân thành cảm ơn ông!