Thiếu nguồn tạng: Hàng nghìn bệnh nhân mất cơ hội sống
Xã hội - Ngày đăng : 08:20, 07/04/2010
Theo đó, hàng trăm bệnh nhân bị suy thận, gan... đã có cơ hội sống. Tuy nhiên, sự phát triển này cũng đang gặp nhiều rào cản do rất thiếu nguồn tạng, mặc dù Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người đã ra đời cách đây gần 3 năm.
Ca ghép tụy tại Bệnh viện TƯ Huế. |
Cơ hội cho nhiều người bệnh
Con người phần lớn tử vong là do một trong các tạng của cơ thể bị bệnh nặng ở giai đoạn cuối. Người bệnh phải chịu đau đớn, sống trong lo âu và tuyệt vọng. Họ không có khả năng lao động, vui chơi, giải trí và hòa nhập cộng đồng. Để cứu sống các bệnh nhân này, chỉ có cách duy nhất là ghép tạng. Thực tế cho thấy, hầu hết các bệnh nhân sau ghép có cuộc sống gần như bình thường, trong đó 70-80% bệnh nhân sau ghép có thể tham gia các hoạt động thể dục, thể thao và hòa nhập cộng đồng. Về mặt kinh tế, ghép tạng sẽ giúp giảm bớt chi phí điều trị cho người bệnh. Ở các nước đang phát triển như Thái Lan, Trung Quốc... mỗi ca ghép thận chi phí khoảng 20.000 - 40.000 USD, trong khi đó chi phí cho mỗi lần lọc máu (chạy thận nhân tạo) từ 150 - 240 USD. Một bệnh nhân suy thận mãn giai đoạn cuối phải lọc máu 2 lần/tuần, thì mỗi năm bệnh nhân lọc máu tốn chừng 16.000 - 24.000 USD. Nếu lấy tỷ lệ sống trung bình của một bệnh nhân lọc máu là 5 năm thì chi phí trong 5 năm đó khoảng 80.000- 120.000 USD. Khoản chi phí này gấp nhiều lần so với ghép thận. Như vậy, lợi ích kinh tế của việc ghép thận rất lớn, số bệnh nhân được ghép càng nhiều thì số tiền tiết kiệm được cho gia đình và xã hội càng cao.
Đến nay, rất nhiều nước trên thế giới đã thực hiện kỹ thuật này. Riêng nước Mỹ đã có 10.000 ca ghép thận, 3.000 ca ghép gan, 2.000 ca ghép tim và 500 ca ghép phổi. Trung Quốc, Thái Lan, Malaixia, Philíppin... cũng đã triển khai các kỹ thuật ghép này cách đây 30-40 năm.
Có hành lang pháp lý vẫn khó
Theo đánh giá của các chuyên gia ngoại khoa, kết quả sau ghép của Việt Nam tương đương với các nước trên thế giới. Tính đến thời điểm này, có bệnh nhân đã sống được hơn 10 năm và sức khỏe hoàn toàn bình thường. Chi phí để thực hiện một ca ghép thận ở Việt Nam chỉ dưới 300 triệu đồng. Trong khi đó, ghép thận ở các nước trong khu vực là 20.000 - 30.000 USD, chưa kể chi phí đi lại cho bệnh nhân và những người đi theo. |
PGS-TS Đỗ Tất Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Quân đội 103 đánh giá, mặc dù ngành ghép tạng của Việt Nam phát triển chưa đầy 20 năm nhưng đã có những tiến bộ vượt bậc. Bác sỹ Việt Nam đã có thể thực hiện các ca ghép thận, gan, tế bào gốc, giác mạc. Riêng việc ghép thận đã trở thành kỹ thuật thường quy ở hàng chục bệnh viện tuyến tỉnh, ngành, không kể các bệnh viện chuyên sâu tuyến trung ương. Đây chính là tiền đề rất tốt để trong năm nay, Viện sẽ tiến hành ca ghép tim đầu tiên. Ông Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc BV Nhi TƯ cho biết thêm, có được những thành công này là nhờ trên 90% trang thiết bị dành cho ghép tạng đã được các bệnh viện trang bị; trình độ của các bác sỹ được nâng cao. Tới đây, các bác sỹ Việt Nam sẽ tự đảm đương những kỹ thuật ghép tạng phức tạp như ghép gan mà không phải nhờ sự hỗ trợ của bác sỹ nước ngoài.
Nhu cầu về ghép tạng ở nước ta rất lớn. Chỉ riêng nhu cầu ghép gan, hiện có khoảng 23.000 người. Nhu cầu lớn như vậy, tuy nhiên nguồn tạng (từ người chết não) ở nước ta gần như chưa có vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có lý do tế nhị về quan niệm và phong tục của người Việt, mặc dù cơ sở pháp lý để triển khai là Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người đã có hiệu lực gần 3 năm qua. Khác với các nước phát triển, 90% nguồn tạng cung cấp từ bệnh nhân chết não, thì Việt Nam chủ yếu vẫn từ người cho cùng huyết thống (tháng 11-2007, có một ca hiến thận tự nguyện không cùng huyết thống đầu tiên là một nhà sư hiến cho bệnh nhi 15 tuổi).
Nếu có được tạng từ người chết não thì các nhà khoa học, các bác sỹ sẽ có nguồn tạng phong phú để phục vụ cho việc ghép, mang lại cơ hội sống cho hàng nghìn bệnh nhân bị suy tạng. Tuy nhiên, mọi cơ hội sống này vẫn đang phụ thuộc chủ yếu vào nhận thức và tấm lòng nhân ái của mỗi người dân.