Chiếc răng khổng lồ nặng hơn 300kg và những điều suy ngẫm

Xã hội - Ngày đăng : 07:25, 07/04/2010

(HNM) - Ngày 5.4 vừa qua, Viện đào tạo Răng Hàm Mặt - Trường Đại học Y Hà Nội đã công bố kết quả Điều tra sức khỏe răng miệng của trẻ em từ 4 đến 8 tuổi tại 5 tỉnh thành Việt Nam (Hà Nội, Lạng Sơn, Thái Bình, Bình Thuận và Tiền Giang).

Cuộc điều tra này đã cung cấp cái nhìn về thực sức khỏe răng miệng của trẻ em. Cùng ngày, tại công viên 23/9 ở TP.HCM, một chiếc răng “vàng” khổng lồ cao 3m nặng hơn 300 kg cũng bất ngờ xuất hiện…

Giật mình từ kết quả điều tra

Theo kết quả cuộc điều tra, có 81,6% trẻ từ 4-8 tuổi bị sâu răng sữa, trong đó có 16,3% sâu răng vĩnh viễn là con số đáng báo động về tình hình sức khỏe răng miệng cũng như cách thức chăm sóc răng cho trẻ. Báo cáo còn cho biết thêm có 25,3% trẻ em từ 4-8 bị mất răng sữa sớm. Việc mất răng cửa sớm của trẻ sớm, theo Viện Đào tạo Răng Hàm Mặt, làm trẻ kém phát triển khả năng nhai, phát âm không chuẩn, hàm răng vĩnh viễn bị xô lệch ảnh hưởng đến sự phát triển thẩm mỹ và thể chất trong giai đoạn này.

Răng khổng lồ với những mảng bám tại Công viên 23/9 TP.HCM

Tỉ lệ sâu răng của trẻ theo báo cáo cho thấy, nguyên nhân là do trẻ không vệ sinh răng sạch sẽ sau khi ăn xong. Bên cạnh đó, sự ý thức và quan tâm chưa đúng mức của các phụ huynh cũng là nguyên nhân dẫn đến thực trạng đáng báo động về sức khỏe răng miệng. Chỉ có 4,7% trẻ sâu răng sữa được hàn răng, và chỉ 0,2% trẻ sâu răng vĩnh viễn được hàn răng. Có 85% bố mẹ nói cần thiết đưa con đi khám răng nhưng chỉ 65% bố mẹ trả lời đã từng đưa con đi khám răng nhưng chỉ trong trường hợp răng đã quá bị sâu hoặc bị lung lay.

Theo Tiến sỹ Trương Mạnh Dũng, Viện trưởng Viện Đào tạo Răng Hàm Mặt: “Tình trạng sâu răng sữa, mất răng sữa cao qua cuộc điều tra là một hồi chuông cảnh báo cho các bậc cha mẹ về cách chăm sóc răng miệng cho con mình. Hiện nay vẫn rất nhiều bố mẹ còn cho rằng răng sữa không quan trọng và sau này sẽ thay bằng răng vĩnh viễn nên không cần phải chăm sóc. Thực tế, răng sữa rất quan trọng trong việc hình thành nền móng vững chắc cho răng vĩnh viễn.”

Nhìn “răng vàng khổng lồ”, ngẫm cho “răng sữa”

Cùng lúc với báo cáo của viện Đào tạo Răng Hàm Mặt về tình hình răng miệng của trẻ em, ở công viên 23/9 đã xuất hiện một chiếc răng vàng khổng lồ. Nhìn chiếc răng thật ấn tượng nhưng lại vàng ố và có nhiều mảng bám, nhiều bậc phụ huynh lại có cảm giác lo lắng cho đứa con nhỏ đang trong quá trình hoàn thiện răng. Để răng của trẻ không vàng và sâu như thế này, chắc chắn cha mẹ phải tập cho bé một thói quen chăm sóc răng thường xuyên và đúng cách. Tuy nhiên, cứ đến giờ đánh răng cho trẻ là cả mẹ và bé đều phải khổ sở. Trẻ thì sợ cay và hay nuốt kem, mẹ thì cứ phải “gào thét” để có thể đánh răng được cho bé hay nhắc bé nhả kem ra. Cứ như thế, khiến cả mẹ và bé đều cảm thấy mệt mỏi sau giờ đánh răng. Điều này hoàn toàn phù hợp với báo cáo, nó cho thấy sự vất vả của bố mẹ trong việc tập thói quen đánh răng cho trẻ. Có đến 89,2% bố mẹ cần được giúp đỡ để tạo lập thói quen đánh răng đầy đủ cho trẻ.

Nhân sự xuất hiện của chiếc răng “vàng” khổng lồ tại công viên 23/9, cha mẹ hãy mang trẻ đến tham quan để trẻ làm quen với hình dạng của răng, hoặc hơn nữa, cha mẹ có thể dùng bàn chải để hướng dẫn bé đánh răng đúng cách với chiếc răng “vàng” khổng lồ này. Với sự “làm mẫu” của chiếc răng khổng lồ cao hơn 3m này, chắc rằng, những lời dạy của các bậc cha mẹ sẽ trực quan hơn và bé sẽ vui thích hơn khi tiếp thu những bài học về răng miệng. Rất nhiều các bậc cha mẹ hy vọng sau sự kiện chiếc răng khổng lồ xuất hiện, bé sẽ chăm chỉ đánh răng hơn, và các bậc cha mẹ sẽ không còn phải nhọc lòng vì phải liên tục nhắc và tập cho bé nữa.

I.M.S.