Vấn nạn môi trường: Nhức nhối dài lâu

Xã hội - Ngày đăng : 07:04, 07/04/2010

(HNM) - Những năm vừa qua, TP Hồ Chí Minh đã rất thành công trong công tác xã hội hóa lĩnh vực xử lý rác. Khoảng 50% lượng rác thải sinh hoạt của thành phố đã được xử lý bởi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và sắp tới nhiều doanh nghiệp tư nhân cũng sẽ tham gia vào việc xử lý rác thải nguy hại, tái chế rác…

Kiểm tra hệ thống nước thải tại KCN Tân Tạo.


Khí, nước, rác thải… đã được quan tâm
Đồ án Quy hoạch tổng thể xây dựng TP Hồ Chí Minh năm 1993 hầu như chưa đề cập đến công tác vệ sinh đô thị và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, đến lần điều chỉnh quy hoạch đầu tiên vào năm 1998 công tác vệ sinh đô thị bao gồm xây dựng các khu xử lý rác, cải thiện tình trạng ô nhiễm sông, kênh, rạch, thoát nước bẩn… đã được quy định khá rõ ràng. Cũng từ đó cho đến nay, thành phố đã bắt đầu triển khai mạnh mẽ công tác bảo vệ môi trường.

Nỗ lực đầu tiên là di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra ngoại thành. Hiện 14/14 KCN-KCX, khu công nghệ cao xây dựng hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải tập trung. Việc xử lý nước thải bệnh viện cũng đã đạt được nhiều tiến bộ. Đến nay hơn 50 trong tổng số 109 bệnh viện, cơ sở y tế xây dựng xong hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn. Với các nguồn vốn ODA, TP Hồ Chí Minh đã, đang triển khai hàng loạt dự án cải thiện môi trường trong các lưu vực lớn của thành phố như Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé, Tham Lương - Bến Cát… Đặc biệt, hạng mục nhà máy xử lý nước thải của dự án cải thiện môi trường nước lưu vực Tàu Hủ - Bến Nghé đã đi vào hoạt động. Thành phố cũng đã đưa vào vận hành hồ xử lý sinh học tại Bình Hưng Hòa, nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung tại xã Bình Hưng.

Riêng công tác xử lý rác thải sinh hoạt đạt được nhiều thành công nhất. Hai khu liên hiệp xử lý rác là Phước Hiệp (huyện Củ Chi) và Đa Phước (huyện Bình Chánh) đang tiếp nhận và xử lý khoảng 6.400 tấn rác/ngày và khả năng sẽ xử lý được hơn 13.000 tấn/ngày. Điều này đã được kiểm nghiệm qua dịp Tết Canh Dần 2010. Ngày 29 và 30 tháng Chạp, lượng rác thải toàn thành phố lên tới hơn 12.000 tấn/ngày, nhưng 2 khu đã xử lý rất tốt. Không chỉ chôn lấp, hàng loạt nhà máy tái chế rác của thành phố cũng đang được xây dựng, dự kiến đến cuối năm 2010 sẽ có 3-4 nhà máy đi vào hoạt động. Việc phân loại rác từ nguồn cũng được "sốc" lại và sẽ được triển khai mạnh mẽ vào giữa quý III-2010. Hiện TP Hồ Chí Minh đang tiến hành xây dựng thêm một nhà máy xử lý bùn hầm cầu nữa tại Phước Hiệp (huyện Củ Chi) để xử lý triệt để lượng bùn hầm cầu thải ra.

Nhưng gánh nặng quá lớn
Rất nhiều cố gắng như đã nói nhưng nhìn vào thực tế, không ít người vẫn ái ngại cho môi trường thành phố. Rác vẫn đặc nghẹt các sông, kênh, rạch và gần như nhìn chỗ nào cũng thấy rác. Nhiều sông, kênh… đã và đang "chết" bởi nước thải công nghiệp chưa được xử lý thải ra, đường phố thì bụi bặm… Thật ra, điều này cũng rất dễ hiểu. Trong một thời gian dài trước đây, công tác bảo vệ môi trường hầu như không được quan tâm. Tình trạng ô nhiễm hiện nay chủ yếu được tích tụ từ hàng chục năm trước và thành phố đang phải trả một cái giá rất đắt cho điều ấy. Chỉ tính riêng bằng tiền, để cải tạo môi trường, thoát nước, làm sạch (giai đoạn 1) cho chỉ một lưu vực "kênh đen" Nhiêu Lộc - Thị Nghè, TP Hồ Chí Minh đã phải vay gần 200 triệu USD. Đó là chưa kể đến những hậu quả khác mà người dân đang phải gánh chịu như ảnh hưởng đến sức khỏe và hiện còn phải chấp nhận đi lại khó khăn để đào đường, lắp đặt hệ thống thoát nước mới cho toàn bộ lưu vực.

Và dẫu 100% KCN-KCX, khu công nghệ cao đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung, nhưng nước thải chưa được xử lý thải ra môi trường từ nhiều năm trước vẫn còn tồn tại ở trên nhiều sông, kênh của thành phố. Ngân sách gần như không có khả năng cải thiện tình trạng này mà phải trông chờ chủ yếu vào các nguồn vốn vay ODA. Điều này cho thấy, không phải thế hệ hiện nay đang trả giá cho ô nhiễm môi trường mà nhiều thế hệ nữa sẽ phải gánh, ít nhất là trả nợ các khoản vay hiện nay…

Hải Yến