“Hai lúa” làm kỹ sư cơ khí: Kinh doanh là chuyện nhỏ

Đời sống - Ngày đăng : 06:46, 07/04/2010

(HNM) - Cũng giống như bao người dân trên đất Phú Hòa Đông (Củ Chi), nghề bánh tráng đã gắn bó với Ba Phận (tên thường gọi của anh Lâm Văn Phận, ở ấp Phú Mỹ) từ thuở lọt lòng.

Anh Ba Phận với công cụ sáng chế của mình.


Tay ngang sáng tạo
Gặp chúng tôi tại hội nghị tổng kết phong trào thi đua yêu nước của xã Phú Hòa Đông, với chất giọng đặc sệt Nam bộ, cùng với nước da rắn rỏi của người con "đất Thép", Ba Phận cho biết: Những năm 1999-2000, nghề bánh tráng đang mai một, cả gia đình phải thức khuya, dậy sớm làm quần quật mà thu nhập chẳng bao nhiêu. Thấy bức xúc quá nên nghĩ ngay đến việc cần có một chiếc máy tráng bánh để giải phóng sức lao động. Thật ra thì trước đó, loại máy này cũng đã có mặt ở thị trường Việt Nam do Thái Lan và Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh sản xuất, nhưng giá bán một chiếc máy lên đến cả tỷ đồng, người nông dân làm sao mua nổi.

Sau nhiều lần mày mò, tìm hiểu, Ba Phận quyết định cải tiến chiếc máy làm hủ tiếu thành máy tráng bánh. Bởi qua tìm hiểu anh thấy, các công đoạn làm hủ tiếu cũng gần giống với tráng bánh, chỉ khác một vài công đoạn cuối. Dù chưa từng học hành gì về cơ khí, nhưng khi bước vào chế tạo, anh nông dân Ba Phận vẫn tin tưởng mình sẽ thành công với loại máy này. Bởi trước đó, anh cũng thành công với nhiều loại máy như xay bột, cắt gạch, cối ép bún… Tuy nhiên, lúc mới thử nghiệm, không ít lần máy của anh chạy không đều, chỗ dày, chỗ mỏng, liếp bánh lúc chín, lúc sống. Theo anh, cái khó nhất trong quá trình chế tạo chính là nguồn điện. Điện có nơi mạnh, có nơi yếu, nên phải nắm bắt được nguồn điện ở đó như thế nào để gắn mô tơ cho phù hợp. Nếu nơi nào có nguồn điện mạnh thì gắn mô tơ đủ vòng, còn điện yếu thì gắn mô tơ ít vòng hơn để phù hợp với nguồn điện, nếu không sẽ không vận hành được.

Điều ghi nhận trong quá trình chế tạo máy tráng bánh của Ba Phận chính là anh không tiếc tiền để mua những thiết bị tốt nhất để máy hoạt động hiệu quả nhất. Ở mỗi chức năng, từ lô bột, lô khuôn đến lô đánh bột... đều có 1 mô tơ riêng. Chính điều này giúp bánh khi tráng đạt 100% loại bánh A, đều hơn so với máy ngoại nhập. Nhưng quan trọng nhất vẫn là giá thành của máy Ba Phận chỉ bằng 1/10 so với máy Thái Lan và bằng 1/5 so với máy của Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh.

Để giúp người nông dân
"Lúc đầu cả tháng tôi mới sản xuất được 1 máy, còn bây giờ chỉ cần 10 ngày là đã có thể hoàn thành. Nhưng nói thật lúc đó tôi gặp may mắn được lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, cũng như Sở NN&PTNT chủ trương khôi phục phát triển làng nghề và thành lập HTX Bánh tráng Phú Hòa Đông. Nếu không có sự khôi phục làng nghề thì rất khó để mình có thể tồn tại được với nghề này" - Ba Phận bộc bạch.

Hiện máy tráng bánh của anh đã chiếm gần hết thị phần ở Củ Chi nói riêng và TP Hồ Chí Minh nói chung; đồng thời còn bán sang nhiều tỉnh, thành khác; thậm chí ở cả nước ngoài với số lượng lên đến hàng trăm đơn đặt hàng mỗi tháng. Ở đâu Ba Phận cũng tạo cho người sử dụng sự an tâm. Bởi anh không những chịu khó học hỏi, biết lắng nghe đóng góp của khách hàng để nhận ra những khiếm khuyết khắc phục mà còn chỉ cho họ cách pha chế bột gạo, cách kinh doanh như thế nào có lời… Ba Phận tâm sự: "Khi bắt tay vào sản xuất máy tráng bánh này tôi chỉ nghĩ, làm để phục vụ cho gia đình, nhưng rồi thấy có hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với tráng thủ công. Mỗi một máy tráng bánh có công suất gấp hơn 20 lần lò tráng thủ công, bánh lại đều, đạt chất lượng cao. Do đó tôi muốn giúp người nông dân quê mình có điều kiện phát triển nghề, có thu nhập cao, chứ nghĩ đến kinh doanh thì chắc tôi đã giàu rồi, chứ không như bây giờ đâu".

Hồ Quang