Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam: Khát khao ra “biển lớn”

Kinh tế - Ngày đăng : 06:40, 07/04/2010

(HNM) - Các doanh nghiệp (DN) tư nhân và hộ kinh doanh cá thể đã phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tại hội nghị sơ kết Nghị quyết TƯ 5 (khóa IX) "Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển KTTN" do Ban Bí thư TƯ Đảng tổ chức tại Hà Nội hôm qua (6-4), cùng với việc nêu lên những tồn tại, hạn chế, các DN mạnh dạn đề xuất với Đảng, Nhà nước động viên, tạo cơ chế để DN tư nhân vươn ra chiếm lĩnh thị trường quốc tế.

Thành quả đáng trân trọng

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư khẳng định, Nghị quyết TƯ 5 (khóa IX) đã đáp ứng đúng nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân và đã nhanh chóng đi vào cuộc sống. Hơn 7 năm qua, các cấp ủy và tổ chức đảng đã xây dựng chương trình hành động, tích cực chỉ đạo thực hiện. Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành ban hành hơn 20 luật có liên quan, nhiều nghị định tạo hành lang pháp lý, thiết lập môi trường kinh doanh bình đẳng và tâm lý xã hội tốt cho KTTN phát triển.

Lắp ráp ô tô tại Công ty CP Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki), một trong những doanh nghiệp có mức tăng trưởng cao những tháng đầu năm 2010. Ảnh: Huy Hùng

Giai đoạn 2000-2008, cả nước có 330.490 DN đăng ký hoạt động, gần 4 triệu hộ kinh doanh cá thể. Ba năm gần đây, số DN thành lập mới tăng gấp 1,5 lần về số lượng và gấp 5 lần về số vốn đăng ký so với giai đoạn 2000-2005. Số lượng DN tăng bình quân 22%/năm giai đoạn 2000-2009. Cùng với phát triển về số lượng, năng lực của KTTN trong nền kinh tế cũng tăng lên đáng kể. Tổng số vốn đăng ký giai đoạn 2000-2008 của KTTN là 2.110 nghìn tỷ đồng (lớn hơn cả số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cùng kỳ). Cơ cấu ngành nghề, sản phẩm và quy mô vốn đầu tư có nhiều thay đổi. Đặc biệt, đã xuất hiện nhiều ngành nghề mới, sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu đời sống xã hội như bệnh viện tư nhân, trường học tư thục... Một số ngành nghề trước đây chỉ do kinh tế nhà nước đảm nhận thì nay, KTTN cũng tham gia, như công nghiệp cơ khí, ô tô, đóng tàu... Trong tổng số 500 DN lớn của nước ta, DN tư nhân chiếm 30% (năm 2009). Một số DN tư nhân đã phát triển thành các tập đoàn kinh tế, khẳng định được thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế. Công ty cổ phần Thủy sản Bình An (TP Cần Thơ) là một ví dụ. Từ DN nhỏ lẻ được Đảng, Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi đã phát triển mạnh, vươn ra thị trường quốc tế. Cá tra, sản phẩm chính của công ty đã "đi" đến 127 nước, đem lại một lượng ngoại tệ lớn cho Việt Nam, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 5.000 công nhân và hàng nghìn hộ nông dân.

Không chỉ tăng thu cho ngân sách nhà nước, góp phần tích cực vào tăng trưởng nhanh nền kinh tế, điều KTTN đã làm được là thu hút mạnh mẽ các nguồn lực vào sản xuất, kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm, cải thiện đời sống nhân dân. Trong 2 năm qua, nền kinh tế nước ta chịu ảnh hưởng lớn của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu thì KTTN vẫn tiếp tục tăng trưởng khá. Thành quả này thật đáng trân trọng.

Vượt chính mình, vươn ra thị trường quốc tế

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, với hơn 86 triệu dân, 47 triệu lao động, trong đó lao động khu vực nông nghiệp là 35 triệu, KTTN phát triển sẽ góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động, tăng tiềm lực kinh tế và giải quyết công ăn việc làm. Để phấn đấu đến năm 2015, cả nước có 1,2 triệu DN, đòi hỏi đội ngũ DN không chỉ phát triển về số lượng mà phải coi trọng chất lượng, phát triển về chiều sâu và chiều rộng. KTTN cần tiến mạnh vào các dịch vụ cao cấp, như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm… khẳng định vai trò, trách nhiệm lớn hơn trong giai đoạn kinh tế phục hồi.

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại HTX công nghiệp Tiến Bộ. Ảnh: Viết Thành

Không chỉ vậy, hầu như không còn cảnh DN tư nhân "kêu" về chính sách, thủ tục hành chính… nữa mà bày tỏ khát khao cống hiến, mong muốn Đảng và Nhà nước tạo điều kiện để họ vươn ra chiếm lĩnh thị trường nước ngoài. Ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Tổng Giám đốc Công ty Cà phê Trung Nguyên khẳng định: "Theo tôi, phải "tiếp" cho các DN niềm tự hào dân tộc và khát khao cống hiến cho quốc gia. Trình độ xuất phát thấp không phải là vấn đề mà xuất phát với tâm thế nào, khát khao thế nào mới là cái quyết định. Nhà nước cần có chính sách chung để thúc đẩy khát vọng cho các DN, trang bị cho họ từ lý tưởng tới khả năng thực hiện. Những DN lớn khát khao vươn ra ngoài, đem lại lợi ích quốc gia phải có chính sách riêng để DN phát huy thế mạnh của họ".

Kết luận hội nghị, đồng chí Trương Tấn Sang khẳng định, TƯ sẽ tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện hơn nữa để KTTN phát triển. Ban Bí thư đã có kết luận yêu cầu cấp ủy các cấp, tổ chức đảng thực hiện các nhiệm vụ: Tăng cường tuyên truyền, tạo sự thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân về chủ trương phát triển KTTN. Ban Bí thư yêu cầu Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục sửa đổi, bổ sung, ban hành mới quy định về pháp luật, cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi cho DN. Bên cạnh đó, Nhà nước sẽ bảo đảm sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, từng bước tạo điều kiện hình thành các đơn vị kinh tế tư nhân đủ sức cạnh tranh trong nước và quốc tế.

Ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ
Hoàn thiện cơ sở pháp lý

Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về KTTN rất trúng, đúng, nâng cao vai trò của KTTN. Nhưng quá trình thực hiện, một số địa phương chưa cụ thể hóa chính sách của Đảng, chưa nắm bắt tình hình hoạt động DN nên có trường hợp còn cản trở, triệt tiêu thế mạnh KTTN. Việc cần làm hiện nay là phải hoàn thiện cơ sở pháp lý, sửa đổi những cái vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Đầu tư, Luật Bảo hiểm, Luật Doanh nghiệp... Đề nghị Chính phủ sớm công bố cơ cấu của nền kinh tế để DN chuẩn bị, bảo đảm cho sự phát triển ổn định, lâu dài.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
Nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN

Vấn đề quan tâm hiện nay không phải là sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế nữa mà quan trọng làm thế nào nâng cao năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam. Theo tôi, TƯ cần có nghị quyết nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN; nên ban hành các nghị quyết chung, không nên xây dựng chính sách riêng cho các thành phần kinh tế, nhưng cần có thiết kế riêng về quy mô của DN và có chính sách trợ giúp cho DN có quy mô lớn. Việt Nam nên có trung tâm kho dữ liệu thông tin về công nghệ để cung cấp và định hướng cho DN, nhằm nâng cao sức cạnh tranh của DN.

Lê Hương